Chương XXV: Cái nhìn đa chiều về chiến tranh

handwritten text on paper

Úc cũng là nơi dạy cho tớ một cái nhìn đa chiều về chiến tranh Việt Nam. Trước đây, tớ cảm thấy những người Hải ngoại, bỏ quê hương và nói xấu Tổ Quốc thật đáng trách. Giờ thì tớ đã có cái nhìn hai chiều hơn khi được tiếp xúc với cô bé đồng nghiệp được sinh ra bởi sự cộng hưởng giữa nhà ngoại Cộng Hòa và nhà nội Cộng Sản. Người Việt Nam ở Úc, đặc biệt là những người miền Nam sang Úc từ những năm 1954, 1975, họ rất ghét người Bắc, họ gọi những người như tớ là Bắc Kì. Thậm chí có những cửa hàng hoặc những chương trình ca nhạc tuyển chọn nhân viên hoặc diễn viên sẽ ưu tiên những người nói giọng Nam. Có một lần tớ xuống khu người Việt tại Cabramatta, khi tớ nói giọng Bắc với cô bán bánh mì, cô ấy đã nói với tớ với một giọng không hề thân thiện. Bắc Kì thì có gì sai? Trong mắt họ, Cộng sản, Bắc Kì là những con người độc ác và tham lam.

Họ không chấp nhận cờ đỏ sao vàng là Quốc kì, họ tôn thờ lá cờ màu vàng với ba sọc đỏ. Tớ sẽ kể cậu nghe về câu chuyện rất buồn tại một trường Trung học ở Sydney. Tại một buổi biểu diễn đa văn hóa của trường Chester Hill, Sydney, mỗi nhóm học sinh quốc tế sẽ được đeo lá cờ quốc gia và trình diễn trên sân khấu. Mỗi quốc gia đều có một lá cờ riêng. Tuy nhiên, khi lựa chọn lá cờ Quốc Kì Việt Nam treo trong buổi diễn, Ban Giám Hiệu trường đã vấp phải hai luồng ý kiến trái chiều. Giám hiệu trường muốn sử dụng lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam được Quốc tế công nhận do có nhiều du học sinh vẫn đang theo học tại trường. Tuy nhiên, phụ huynh của những học sinh người Úc gốc Việt tại trường kịch liệt phản đối. Họ trình bày rằng việc cờ Vàng Việt Nam Cộng Hòa đã được Hội đồng thành phố Bankstown công nhận là lá cờ chính thức của cộng đồng người Việt tự do tại Úc sau hơn 40 năm định cư, đồng thời thẳng thắn nêu rõ quan điểm là Cộng Đồng chỉ chấp nhận lá cờ Vàng được biểu dương tại trường trong buổi lễ đa văn hóa. Nhận thấy đây là vấn đề chính trị đa chiều, Ban Giám Hiệu trường Chester Hill đã quyết định không lựa chọn cả hai lá cờ trên. Giữa dòng học sinh mang những lá cờ đa sắc màu, học sinh Việt Nam cầm trên tay lá cờ đặc biệt, một tấm vải trắng có dòng chữ “Việt Nam”. Tớ sẽ kể cậu nghe một câu chuyện buồn khác, câu chuyện buồn trong ngày vui chiến thắng của cả dân tộc Việt Nam. Đó là ngày đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam lần đầu tiên vào được Chung kết giải bóng đá Châu Á U23. Khi ở Việt Nam, bóng đá là sợi dây vô hình kết nối toàn dân tộc làm một thì ở Sydney, niềm vui ấy không được trọn vẹn. Khi du học sinh cùng hòa chung không khí bóng đá và giơ cao lá cờ đỏ sao vàng, một bộ phận những người trung niên thuộc Việt Nam Cộng Hòa đã giật lấy cờ và chà đạp lên lá cờ của Tổ Quốc. Vậy đó là đúng hay sai?

Dưới một góc nhìn hai chiều, tớ lại cảm thấy rất thương họ. Người ta có câu “Kẻ thắng làm Vua, thua làm giặc”. Kẻ thắng luôn ức hiếp kẻ yếu và khi ấy Việt Cộng là kẻ thắng. Người Việt Nam Cộng Hòa có quyền căm ghét chế độ Cộng Sản nhưng cái sai của họ là họ đã quá mù quáng. Quá khứ đã ngủ yên và hận thù cũng vậy. Họ sai vì đã để hận thù đè nặng lên tư tưởng của con cháu họ, để những đứa trẻ Việt Nam sinh ra tại Úc đa số không biết quê hương mình tươi đẹp như nào, để những đứa trẻ miền Nam sinh ra tại úc gọi những du học sinh người Bắc là “Đồ Bắc Kì” với giọng miệt thị. Nhưng rồi khi dịch bệnh ập đến, nơi đầu tiên họ nghĩ đến khi lánh nạn đó là Việt Nam, là quê hương với lá cờ đỏ sao vàng.

———————————————–

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *