Sẽ chẳng ai có thể tưởng tượng được ngày này sẽ xảy ra, ngày mà đường phố dường như không một bóng người.
Sẽ chẳng ai có thể tưởng tượng được ngày này sẽ xảy ra khi dường như những cảnh phim chúng ta vẫn thường thấy trong phim viễn tưởng về thảm hỏa của Hollywood nay đã thành hiện thực.
Sẽ chẳng ai có thể tượng tượng được rằng không khí bỗng trong lành hơn so với trước khi dịch bệnh bùng phát. Mọi người ít ra đường hơn. Đường phố vắng xe cộ và bầu trời bỗng chốc xanh hơn.
Ngày mà tớ sẽ ghi nhớ mãi trong cuộc đời này rằng “Tớ là nhân chứng lịch sử của một thảm họa dịch bệnh toàn cầu”.
Rằng nếu con người không thể sửa đổi những hành vi của họ có ảnh hưởng đến Thiên Nhiên thì hãy để Thiên Nhiên tự điều chỉnh.
——————————————————
Tớ đang sống trong những ngày giống như “Ngày Tận Thế”. Nhiều người bảo với tớ rằng Sars 2 – Covid 19 là loại virus của loài người, là sự loại bỏ có chọn lọc một thế hệ già cỗi, thế hệ đã hi sinh cả tuổi thanh xuân cho những cuộc chiến để dành sự sống cho một thế hệ trẻ sống hưởng thụ.
Tớ và thế hệ của tớ đang sống trong những ngày của SỰ THẬT, những ngày mà con người như dần lộ ra con người thật của họ. Covid – 19 giúp cho Tớ nhận ra được tình yêu thương từ gia đình nhưng cũng giúp tớ nhận ra được sự ích kỉ của loài người.
Tớ về Việt Nam trong những ngày dịch bệnh ở Việt Nam và Úc đều trong tình trạng an toàn khi chưa có thêm ca nào trong gần 22 ngày. Trước ngày tớ quay trở lại Úc đúng 1 ngày, Việt Nam phát hiện ra ca bệnh thứ 17 trước 4 ngày công bố hết dịch. Tớ chưa từng thấy quốc gia nào phản xạ nhanh đến thế. Chưa đầy 1 tiếng kể từ khi biết tin, công an đã phong tỏa toàn bộ một khu phố. Sáng ngày hôm sau, tất cả mọi người đã chạy ra siêu thị chuẩn bị đồ tích trữ. Đây cũng là lúc các cửa hàng thịt, rau lợi dụng sự sợ hãi của con người để kiếm lời. Và chuyến bay của tớ cất cánh trong hoàn cảnh như thế. Nếu tớ chỉ sang Úc chậm hơn một tuần cũng có nghĩa rằng tớ sẽ ở lại Việt Nam cho tới khi dịch kết thúc.
Ở lại hay quay về là nỗi đắn do của các du học sinh. Nếu ở Việt nam cơn cuồng nộ tích trữ đồ chỉ diễn ra một ngày thì ở Úc, đó là một chuỗi ngày vô vọng với nhiều người, trong đó du học sinh, như bố cậu và tớ. Người giàu vơ hết những bọc giấy vệ sinh và cất lên xe riêng của họ. Bạn tớ còn nhìn thấy trong những ngôi nhà giàu ở dọc bờ biển, họ chất thành đống những cuộn giấy vệ sinh và liệu họ có nghĩ rằng ở ngoài kia có rất nhiều người đang sống trong cái bi kịch không có tiền lương, không có đủ các nhu yếu phẩm hằng ngày.
Du học sinh cũng rất đáng thương. Bị cắt ca làm hoặc có người bị cho thôi việc, vẫn phải trả tiền nhà, vẫn cần ăn để sống. Khi chuyến bay cuối cùng từ Úc về Việt Nam cất cánh cũng là lúc tớ biết lựa chọn ở lại là phải thật kiên cường. Nếu ai đó nói rằng dịch bệnh làm con người gần nhau hơn, chúng ta có thời gian dành cho gia đình hơn thì với du học sinh, dịch bệch làm tớ cảm thấy khoảng cách xã hội ngày một lớn hơn. Tớ nhìn thấy nhưng ánh mắt kì thị của mọi người dành cho những người đeo khẩu trang, Tớ nhìn thấy những ánh mắt kì thị của người Úc dành cho tớ và những người da vàng có khuôn mặt giống Trung Quốc. Họ gọi dịch bệnh đó là Chinese Virus. Không, đó không phải Chinese Virus, đúng ra nó cần một cái tên chính xác hơn là HUMAN VIRUS (VIRUS LOÀI NGƯỜI). Sars – covid 19 chỉ là phần nổi của một tảng bang chìm cho những hậu quả mà con người gây ra. Rồi chúng ta sẽ không còn biết tương lai ra sao? Hãy nhìn vào nước Úc của năm 2020, một đất nước hứng chịu thảm họa cháy rừng và ngay sau đó là dịch bệch. Úc đang oằn mình bảo vệ nền kinh tế trước khủng hoảng y tế. Có một bài báo trên NEWS.COM.AU (Báo mạng chính thống của Úc) có gọi giới trẻ úc là NHỮNG ĐÔI TAI ĐIẾC. Họ nghĩ da trắng sẽ không bị bệnh, họ nghĩ họ còn trẻ, virus sẽ không bơi nổi trong người họ đâu. Rồi họ vẫn tụ họp, vẫn mở tiệc, vẫn ra biển mặc cho lệnh cấm của Chính Phủ. Có lần khi đi làm ở khách sạn, tớ đã hỏi khách của tớ – đó là một gái trẻ người Úc rằng “Bạn có sợ Virus k? Bạn nên cẩn thận và nên đeo khẩu trang nếu cần”. Cô bạn đó thản nhiên nói với Tớ rằng: “Không sao đâu, chỉ có người già mới chết mà”. Vậy “người già” ấy là ông bà, bố tớ của bạn thì sao? Tớ đã nghĩ như thế trong đầu và chưa bao giờ thấy thất vọng về những người trẻ Phương Tây như thế. Họ không đeo khẩu trang và cho rằng những người đeo khẩu trang mới bị bệnh. Tớ đã từng giải thích cho khách của Tớ rằng, đeo khẩu trang là cách để họ ngăn được việc lây bệnh cho người khác vì chính họ cũng không nhận ra họ đang mắc bệnh. Và cậu biết câu trả lời rồi đấy, họ đâu có tin.
Đấy, thế mới nói dịch bệnh làm lòi ra sự ÍCH KỈ trong nền văn hóa Phương Tây và sự đoàn kết trong văn hóa Phương Đông. . Covid – 19 làm lộ ra một thế giới chuyên ĐỔ LỖI. Châu Âu đổ cho Châu Á là nguồn cơn của dịch bệnh, Trung Quốc buộc tội cho Mỹ, Mỹ đổ cho Trung Quốc. Dần dần chúng ta kì thị lẫn nhau. Khi dịch bùng phát, tớ đã gặp phải không ít những ánh nhìn kì thị của một vài người Úc. Vì tớ là người Châu Á, vài người thiển cận cho rằng Châu Á là nguồn cơn của dịch bệnh.
Dịch bệnh làm ta trở nên hoài nghi, nghi ngờ tất cả những người chúng ta từng tiếp xúc và thậm chí là nghi ngờ cả chính bản thân. Tớ đã từng sợ sốt vó khi bị sốt và đau họng ngay tuần đầu tiên khi trở lại Úc. Điều tớ lo nhất không phải là cái chết, tớ sợ tớ đã dính Virus rồi còn lây cho biết bao nhiêu người. Nếu ai đó mắc bệnh, ốm yếu và có thể ra đi vì sự vô tư của tớ thì đó sẽ là nỗi day dứt suốt cuộc đời này. Có thể văn hóa Á Đông là vậy, ai cũng đeo khẩu trang để bảo vệ mình và quan trọng hơn là bảo vệ người khác. Cậu à, cứ lớn lên cậu sẽ hiểu rằng càng đi nhiều, càng gặp nhiều người từ những nền văn hóa khác nhau, cậu sẽ thấy yêu làm sao nền văn hóa Phương Đông nơi đặt tình cảm gia đình trên tất cả.
Dịch bệnh cũng làm tớ nhận ra đất nước Việt Nam tuyệt vời như thế nào? Nhưng nếu tớ trở về liệu có trở thành gánh nặng cho Đất Nước. Thế nên, tớ đã chọn ở lại đây để chiến đấu tới cùng, rằng “Hãy đứng yên khi Tổ Quốc cần?”. Cậu à, nếu cậu sinh ra ở Úc thì tớ vẫn muốn cậu lớn lên trong vòng tay của Tổ Quốc, lớn lên trên dải đất hình chữ S để học cách yêu thương và có trách nhiệm với Đất nước. Vậy nên chúng ta sẽ trở về nhà cậu nhé, trở về nơi cội nguồn, nơi có Ông Bà Nội Ngoại và gia đình thật sự của cậu. Đó là Việt Nam!
Những ngày này tớ dành thời gian để ở nhà nhiều hơn bao giờ hết. Thất nghiệp trong những ngày này quả là điều buồn tê tái vì không có tiền thì lo thế nào được cho cuộc sống xa nhà này. Tớ là một đứa lạc quan và có lẽ không có gì có thể đánh gục được tớ. Những ngày mà không có lương để trả tiền nhà, may mà có số tiền tiết kiệm được sau một thời gian dài dành dụm cũng giúp bố tớ trụ được vài tháng. Nếu ai hỏi tớ rằng tớ có buồn không? Tớ có buồn chứ nhưng chưa bao giờ việc thất nghiệp lại làm Tớ lạc quan như thế. Thậm chí tớ còn bận rộn hơn trước rất nhiều. Tớ bận rộn với những đam mê đã ngủ thật lâu trong chiếc tủ của cơm áo gạo tiền. Tớ chưa từng trồng cây và giờ dịch bệnh lại giúp tớ có thời gian để ươm mầm, nhìn những mầm non của tớ vươn lên từ đất bằng tất cả những yêu thương. Là cảm giác háo hức mỗi sớm mai thức dậy thay vì chán nản nghĩ đến cảnh lại phải đi làm, tớ vui với niềm vui khi được nhìn những mầm cây lớn lên từng ngày, được thấy nắng tràn vào khung cửa sổ phòng khách. Là cảm giác thư thái trên giường, cuộn tròn mình trong lòng của bố cậu. Là một sáng mai không tiếng chuông báo thức. Là một sáng không vội vã ăn vội chiếc bánh mỳ như trước đây, thay vào đó tớ và bố cậu nấu ăn cùng nhau, quây quần trong không gian bếp ấm cúng. Là những ngày, chúng tớ và cô Dương cùng nhau xem một bộ phim và nép vào người nhau dưới ánh đèn thưa thớt. Là những ngày, chúng tớ cùng nghêu ngao hát, cùng dắt tay nhau đi bộ dưới bầu trời xanh. Là những ngày, bố cậu và tớ lại cùng nhau làm hoạt hình, làm những dự án khao khát bấy lâu nhưng bị trì hoãn. Là những ngày, tớ được là chính mình, được nhìn bố cậu mỗi ngày và gọi về cho gia đình chỉ để nói là tớ vẫn ổn.
Chưa bao giờ tớ đủ bản lĩnh để nói lời yêu thương nhiều đến thế với gia đình, nhất là với ông bà nội của con. Chưa bao giờ tớ đủ bản lĩnh để nhắn tin cho những người thân đã từng hủy kết bạn với tớ trên mạng xã hội để nói với họ rằng tớ yêu và lo cho họ đến nhường nào. Và chưa bao giờ tớ đủ bản lĩnh để lên kế hoạch viết cuốn sách này, một cuốn tự truyện về tớ được viết cho cậu.
Nếu ngày tận thế có thật thì tớ vẫn muốn được làm mẹ, vẫn muốn sinh cậu ra đời dù tớ sợ rất nhiều cậu ạ. Tớ sợ rằng cậu sẽ sống trong một thế giới ích kỉ và đầy rẫy những thảm họa, thiên tai hơn thế giới mà tớ đã từng được sống trước đây. Cậu sẽ không bao giờ biết đến những trò chơi dân dã tớ thường chơi hằng ngày. Cậu sẽ không bao giờ được ngắm bầu trời xanh và hít thở không khí trong lành. Cậu sẽ phải gồng mình đứng lên để sửa những lỗi sai của thế hệ trước. Nếu dịch bệnh quay trở lại sau 10 năm nữa thì cậu hãy cứ yên tâm rằng chúng ta sẽ có nhau, tớ sẽ bảo vệ cậu dù thế nào đi nữa.
Chúng ta vẫn cần suy nghĩ tích cực hơn rằng dịch bệnh sẽ sớm qua đi. Nhờ Covid 19 mà thế giới như bình yên hơn, không chiến tranh, không khí trong lành hơn, con người bao bọc và yêu thương nhau hơn. Chúng ta được sống chậm lại, kiên cường hơn và mạnh mẽ hơn. Nhưng sau khi dịch bệnh qua đi, không ai dám khẳng định Thế Giới sẽ tốt đẹp hơn. Có thể Virus khiến cho nhân loại nhận ra rằng họ cần thay đổi để một câu chuyện như thế này sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Có thể con người sẽ ít đi du lịch và dành nhiều thời gian hơn với gia đình của họ. Có thể con người sẽ ít ăn hàng quán hơn mà thay vào đó, họ dành thời gian quây quần những bữa cơm nhà. Đó là giả thiết cho một tương lai sáng sủa hơn rằng sau cơn mưa trời lại sáng. Tớ lại nghĩ có thể nhân loại sẽ lại sai thêm lần nữa. Khi Kinh tế trì trệ, khi con người thất nghiệp cũng là lúc đồng tiền và nỗi sợ hãi “cơm áo gạo tiền” lên tiếng. Dịch bệnh qua đi cũng là lúc nhân loại bắt tay làm lại từ đầu từ một con số 1, 2, 3 gì đó, hoặc có thể là từ số 0. Và con biết đó, khi người ta bắt đầu từ số 0, họ sẽ rất điên cuồng chạy đua để kiếm tiền. Các khách sạn, doanh nghiệp ngành du lịch, dịch vụ sẽ tìm đủ mọi cách để kích cầu. Có thể con người sẽ đề phòng hơn trong việc đi lại nhưng với thế hệ sống hưởng thụ như bây giờ, liệu có ai sẵn sàng ở nhà thêm một năm nữa. Họ chắc chắn sẽ cuồng chân, sẽ đi du lịch, thậm chí là còn nhiều hơn trước. Để nền kinh tê phục hồi, các quốc gia trên thế giới nhất là các nước tư bản sẽ tìm mọi cách để gây dựng lại nền kinh tế như trước. Có nghĩa là họ sẽ tiếp tục đầu tư, tiếp tục khai thác tài nguyên, tiếp tục đào núi và lấp biển, tiếp tục đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế. Có người nói rằng dịch bệnh sẽ là bài học cho con người để họ thay đổi vì thiên nhiên nhưng không, tớ lại nghĩ dịch bệnh chỉ là bước đệm cho lòng tham của con người. Chẳng phải trước đây thế giới đã chứng kiến quá nhiều bài học sao? Chẳng phải dịch bệnh cũng đã từng xảy ra, thiên tai, cháy rừng cũng diễn ra hằng năm, tất cả mọi thứ đều trở nên dữ dội hơn cũng như sự bất biến của lòng tham con người. Chúng ta rồi sẽ trở nên tham lam hơn nữa vì từ số 0, để lên được số 5 hoặc số 10 cần phải đánh đổi rất rất nhiều lần so với trước đây. Đó là điều tớ lo lắng và cảm thấy sợ hãi.
Tớ cũng đã có những ngày lo toan về tài chính, liệu rằng chúng tớ có thể vượt qua được dịch bệnh mà không cần đến sự trợ giúp của ông bà cậu? Nhiều khi tớ nghĩ có lẽ nào bản thân đã cố gắng nhiều, ông Trời thấu hiểu nên cả hai vợ chồng đều gặp may mắn hay không? Thật may mắn cho chúng tớ, chủ nhà đồng ý giảm tiền nhà đến sáu tháng liền, tớ tìm được việc ở một quán phở trong thời gian nghỉ làm ở khách sạn. Số tiền kiếm được tuy chỉ đủ trả tiền nhà và tiền ăn nhưng với chúng tớ vậy là đã khá lắm rồi. Sau đó tớ lại xin được việc làm Lễ Tân cho một khách sạn ở gần biển. Vừa làm quán, vừa làm khách sạn, tớ lại quay trở lại guồng quay bận rộn như trước khi mùa dịch đến. Bố cậu đã học xong và may mắn có việc làm đúng ngành nghề nhờ một người bạn giới thiệu. Và tớ chợt nhận ra, Sydney vẫn có nhiều người tốt sẵn lòng giúp đỡ chúng tớ. Vậy là mọi việc đã ổn hơn. Covid là thế đấy, lúc hạ lúc bùng, làm con người ta sợ hãi và cũng làm con người ta kiên cường hơn bao giờ hết. Vậy nên, nếu dịch bệnh và nghèo đói không đánh gục được tớ thì cậu cũng thế nhé, hãy sống như một cây xương rồng. Vì tớ cũng là một cây xương rồng như thế đấy.