Cậu thấy đấy, chuyến đi Châu Âu của tớ có thể đáng giá bao nhiêu? Đó là vô giá.
Tớ không chỉ thực hiện được ước mơ chu du thiên hạ từ thuở nhỏ, tớ còn được học vô vàn những điều mà trường học hay sách vở chưa từng nói đến. Tớ có cái nhìn đa chiều hơn về thế giới này. Những con người tớ gặp trên khắp 5 châu lục đều dạy tớ về những điều tớ chưa từng biết đến. Tớ gặp những người bạn đến từ Châu Phi, từ những đất nước tớ chưa từng nghe đến như Ethiopia, Kenya. Họ là những con người hiểu biết và giỏi giang. Tuy hơi bảo thủ nhưng họ là người khá chân thành, sống tình cảm và tốt bụng. Những người Châu Âu mà tớ gặp tuy có vẻ ngoài lạnh lùng nhưng họ luôn sẵn sàng giúp đỡ tớ. Tớ, một cô gái châu Á sợ ôm, tớ đã dang rộng tấm lòng để đón nhận những cái ôm nồng ấm từ những con người đến từ khắp nơi trên thế giới. Tớ được chu du đó đây, đặt đôi bàn chân nhỏ bé lên sáu quốc gia ở Châu Âu: Áo, Pháp, Ba Lan, Séc, Hungary, và Đức. Tớ đi bộ nhiều đến mòn gót giày, đi thật xa thật xa, đi những chặng đường thật dài. Tớ nhận ra tớ không hề bé nhỏ, tớ dám nói những điều muốn nói, làm những điều tớ muốn làm. Tớ không còn sợ bóng tối, không còn sợ những lúc một mình. Tớ dám du lịch một mình, dám băng qua những đoạn đường, băng qua rừng cây không bóng người khi trời tối. Tớ dám ngủ một mình trên khoang tàu không bóng người trong đêm tối. Những chuyến đi của tớ nói không với khách sạn. Giường của chúng tớ là ghế xe buýt, là ghế tàu và đôi khi ngả mình xuống bãi cỏ để có giấc ngủ trưa. Càng đi tớ lại càng học được nhiều điều. Paris có thể không tráng lệ như trong những bức hình, sông Sein không hề trong veo như tớ vẫn tưởng tượng. Nhưng Paris lãng mạn, là đất nước của tình yêu. Tớ đã bặt gặp một cặp đôi tình nhân nàng tóc vàng, chàng da màu. Chàng vừa đạp xe vừa đặt một nụ hôn lên đôi môi nàng, nàng ngồi trên vành xe đạp và quay về phía chàng. Họ cùng đạp xe qua con ngõ nhỏ đậm chất Paris. Người Paris sành điệu, người Paris lịch sự và thời trang. Không thể phủ nhận rằng các chàng trai Paris tuy không cao to nhưng lại có sự quyến rũ không thể chối từ. Họ lịch lãm theo cách của riêng họ, qua bộ vest họ khoác trên người, qua cách họ chỉnh mũ, qua những chiếc áo măng tô, hoặc ngay cả cách họ cầm ô. Tất cả đều toát lên một vẻ rất riêng của người Paris.
Tớ đặt chân đến Budapest, thành phố lớn nhất Hungary, được ví như Paris của Đông Âu, nơi con sông Danube huyền thoại chảy qua. Budapest đẹp đến mê hồn với cung điện với kiến trúc cổ Châu Âu, một thành phố của sự lãng mạn, của ánh sáng. Đến Budapest, tớ không chọn tàu điện là phương tiện giao thông để thăm quan thành phố, tớ đã quyết định đi bộ đến tất cả các địa danh nổi tiếng. Budapest thực không hổ danh là kinh đô ánh sáng của Đông Âu, nơi dòng sông Danube đẹp như một nàng thơ. Đến Budapest, nhất định phải đi bộ để cảm nhận được hết vẻ đẹp từ kiến trúc, ánh sáng đến thiên nhiên của nơi đây. Budapest trong mắt tớ thậm chí còn đẹp hơn Praha của Séc hay Paris của Pháp. Giữa chuyến đi, tớ ở lại Budapest để chờ chuyến tàu trở lại Ba Lan còn Vinh thì đi đến Đan Mạch. Thế rồi tớ một mình ở Budapest, cầm nát tấm bản đồ trên tay, đi bộ từ 3 giờ chiều đến 11 giờ đêm, thả hồn mình vào bầu trời trong xanh. Tớ đi, đi đến quên mất rằng đôi chân mình đã thấm mệt.
Nếu cậu là một người không am hiểu về kiến trúc thì cậu sẽ thấy Châu Âu đâu cũng giống nhau, nơi đâu cũng có những nhà thờ cổ kính, những tòa nhà mái vòm với kiến trúc cổ điển. Tuy nhiên, các nước Châu Âu vẫn mang đến những nét riêng, không thể trộn lẫn. Trong đó có cả những điều tích cực và những tiêu cực. Sự khác biệt thường nằm ở trải nghiệm khác nhau của mỗi người. Nếu Paris là thành phố hoa lệ của tình yêu, của thời trang và sự lãng mạn, Budapest là thành phố của ánh sáng, là nàng thơ giữa lòng Châu Âu thì Berlin mang một sự lạnh lùng đến khó tả. Cũng giống với Paris, Berlin là thủ đô của nước Đức, là điểm đến mơ ước của rất nhiều người nhập cư. Nếu như ở Paris, ngoài người Châu Á, cậu sẽ thấy rất nhiều người châu Phi sinh sống và làm việc tại Paris. Họ nói tiếng Pháp, họ làm lái xe, làm rất nhiều những công việc tay chân ở Paris. Họ ăn mặc không đẹp như “người Paris” da trắng nhưng đâu đó cậu vẫn thấy một sự bình đẳng giữa người da đen ở Paris với người Pháp “da trắng”. Điều đó không xảy ra với người tị nạn ở Berlin. Rất khó để bắt gặp một người Đức bản địa ở Berlin, đặc biệt là ở trên tàu.
Đức là đất nước tiên phong nới lỏng quy định về Chính sách tị nạn cho những người Syria muốn nhập cư vào châu Âu. Chính sách nhân đạo này được đưa ra với mục đích chính phá huỷ mạng lưới buôn lậu người (human trafficking) và giảm tình trạng nhập cư bất hợp pháp. Thay vào đó, người tị nạn nhập cư vào Đức sẽ có cơ hội tìm một cuộc sống mới, một cuộc sống không có bom đạn. Họ hoàn toàn có cơ hội làm việc và sinh sống tại Đức. Điều đó đã giúp Đức giảm thiểu được gánh nặng “thiếu nguồn lao động” và thể hiện vị thế kinh tế trong liên minh Châu Âu. Tuy nhiên, chính phủ Đức chấp nhận người tị nạn nhưng công dân Đức thì chưa chắc. Những ngày ở Berlin, tớ cảm nhận rất rõ sự kì thị mà người da trắng Châu Âu dành cho người tị nạn đến từ Thổ Nhĩ Kỳ hay Seria. Điều đó được thể hiện rất rõ trên những chuyến tàu đi quanh Berlin. Khác với mùi nước hoa sực nức ở ga tàu điện ngầm Paris, mùi ga tàu ở Berlin là một mùi khác lạ. Mùi đặc sệt của người nhập cư, mùi của sự trốn chạy, mùi của sự kì thị và mùi của lo sợ. Ánh mắt của họ rụt rè, đầy những nỗi lo và sự sợ hãi. Còn người Đức, người da trắng, họ tránh né để không phải ngồi gần người tị nạn khi đi trên tàu. Cậu sẽ thấy người tị nạn họ rất đáng thương. Tuy nhiên, điều gì cũng có hai mặt. Việc chấp nhận làn sóng người tị nạn nhập cư tại Berlin đã vấp phải sự phản đối của người Đức, thậm chí là của người dân Châu Âu nói chung. Người tị nạn với ánh nhìn yếu ớt, với chiếc bụng đói đã biến họ trở thành những kẻ ăn cắp vặt ở Châu Âu. Sử dụng sự thương hại của người khác để trục lợi. Tớ vẫn còn nhớ hình ảnh những người Syria và Thổ Nhĩ Kỳ giả điếc kiếm tiền từ tình thương của khách du lịch ngay trước cổng Brandenburg, nơi gắn với bức tường Berlin chia cắt nước Đức làm hai miền Đông và Tây. Vinh cũng kể tớ nghe rằng, có một lần khi đang ăn hamburger tại Mc.Donald ở Ba Lan, một cậu bé Syria đã đến giật lấy chiếc Burger và chạy đi. Có lẽ những hình ảnh đó khiến cho người dân Châu Âu cảm thấy sợ và kỳ thị người tị nạn. Đặc biệt, ở những nước Đông Âu như Ba Lan, Hungary, hay Cộng Hòa Séc, họ rất sợ người Hồi Giáo. Họ phản đối gay gắt chính sách nhập cư cho người tị nạn của Đức. Có nhiều người bạn của tớ nói rằng họ lo sợ Châu Âu sẽ bị bạo loạn. Từ những vụ xả súng đẫm máu, những vụ đánh bom tự sát ở Châu Âu của nhà nước hồi giáo tự xưng IS, người Đông Âu nói riêng và người Châu Âu nói chung rất sợ người tị nạn và họ bỗng trở thành những kẻ kỳ thị. Đôi lúc, họ còn kỳ thị cả những người Châu Á, tất cả những người “khác” với họ.
Ở đâu cũng đều có những mặt tốt và xấu. Mặt xấu của Châu Âu không làm tớ chán ghét nơi này, những điều đó chỉ làm tớ yêu thích chuyến đi ấy hơn. Bởi tớ đã học được rất nhiều điều. Không chỉ về văn hóa mà còn về chính trị và lịch sử. Khi ở Berlin, tớ có cơ hội được gặp gỡ một cặp đôi người Ireland đến Đức du học và làm việc. Anh chị đã dẫn tớ thăm quan những điểm đến nổi tiếng ở Berlin.Chúng tớ đi qua khu tưởng niệm người Do Thái trong vụ thảm sát Do Thái Holocaust trong thế chiến thứ hai (Holocaust trong tiếng Hi Lạp có nghĩa là “thiêu đốt tất cả” và trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, đó là cuộc diệt chủng khủng khiếp nhất trong lịch sử thế giới đã giết chết hơn sáu triệu người Do Thái dưới tay Đức Quốc Xã). Holocaust là nỗi đau của nhân loại, là một phần lịch sử tàn khốc mà tất cả chúng ta đều muốn quên đi. Tớ cũng có cơ hội đi dọc theo bức tường Berlin huyền thoại, nơi chia Berlin thành hai nửa Đông Tây, nơi chứng kiến bao cái chết từ những người bỏ trốn khỏi Đông Berlin chạy sang Tây Berlin.
Nhân đây, tớ cũng muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến chị Manon người Pháp, chị Arny người Ireland, chị Caterina người Ý đã cho tớ và Vinh tá túc tại nhà khi đến Pháp, Đức và khi ở Wroclaw.
Như tớ đã nói, những nơi tớ đi qua ở Châu Âu, đại đa số đều có bóng hình của chiến tranh hay của sự kiện lịch sử nào đó. Không chỉ ở Paris, Berlin, hay Ba Lan, ngay ở Praha, Séc, tớ cũng may mắn đi qua ngã ba đường Zenklova và Praha – liben, nơi xảy ra vụ ám sát lịch sử mang mật danh “Chiến dịch Anthropoid. Vụ ám sát được tổ chức bởi Chính phủ lưu vong Tiệp Khắc trên đất Anh, người thực hiện là hai đặc công Tiệp khắc là Kubis và Jozef nhằm ám sát tên đồ tề của Praha – Heydrich Reinhard. Cái chết của kẻ sát nhân Đức Quốc Xã là hồi chuông cảnh tỉnh giấc mộng bá chủ Đông Âu của chủ nghĩa phát xít, là hồi chuông đánh thức những người dân Tiệp Khắc sợ hãi và im lặng, để họ đứng lên cho chính nghĩa và tự do. Dù vụ ám sát đã dẫn đến những vụ thảm sát thảm khốc về sau nhằm trả thù cho cái chết của Heydrich nhưng sự hi sinh của 7 người lính nhảy dù không là vô nghĩa. Chiến dịch đó đã thay đổi toàn bộ lịch sử thế giới. Khu hầm mộ của nhà thờ ở trung tâm thủ đô Praha, nơi họ đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, giờ được xây dựng thành một bảo tàng, đồng thời là nơi tưởng niệm. Và cho đến mãi về sau, câu chuyện về họ vẫn là bản hùng ca không thể nào quên với người dân Bohemia – Moravia.
Nếu được quay trở lại Châu Âu, tớ sẽ không đến Thụy Sĩ, không đi Hy Lạp để ngắm Santorini, không đến Ý để ngắm Venice hay thành cổ Roma, tớ sẽ đến Auswitch, Ba Lan để được tận mắt nhìn thấy quá khứ u tối nhất của chiến tranh, của nạn bài do thái. Tớ sẽ quay lại những nơi tớ từng đến, tớ sẽ lại đến Drawsko và Wieliska bởi với tớ, chuyến đi đáng nhớ nhất là được trải nghiệm cuộc sống của người bản địa. Được trở về “nhà”, những nơi đã đánh cắp trái tim tớ. Và tớ đã thực hiện được điều ước ấy, trở lại Ba Lan và Châu Âu cùng người tớ yêu, cùng người bạn trai ngày nào chờ đợi tớ khi tớ sang Ba Lan lần đầu tiên và giờ người đó, đến Ba Lan cùng tớ với danh nghĩa là chồng. Năm 2018, tớ và bố cậu đã đến Ba Lan thăm cô Iwona và thầy Mariusz. Chuyến đi lần này khác rất nhiều so với lần đầu vào năm 2016. Tớ đã vỡ òa ở sân bay khi được nghe thấy ai đó nói tiếng Ba Lan với giọng nói thân thương. Tớ có cảm giác như đang trở về nhà. Cô Iwona và gia đình cô vẫn đón chào tớ nồng nhiệt như xưa. Cô chú chăm lo cho tớ từng bữa ăn đến giới thiệu những điểm đến đáng đi ở Ba Lan. Chúng tớ đã khám phá thêm điểm đến thú vị nữa là Zakopane, điểm giao giữa biên giới Ba Lan và Slovakia qua ngọn núi Tatra. Chúng tớ đến Hallstatt, Áo và đến thăm gia đình cậu của chồng tớ ở Séc. Chuyến đi đáng nhớ nhất là những lúc ở bên gia đình, ở bên cô Iwona với gia đình cô, và giây phút trở lại Drawsko thăm thầy Mariusz và Cô Dorota. Khoảng cách tuổi tác không còn là trở ngại. Tình bạn giữa tớ và các thầy cô đã vượt lên trên mức tình bạn, tình cảm ấy dần trở nên khăng khít như những người thân trong gia đình. Thầy cô luôn chuẩn bị đồ ăn cho vợ chồng tớ trước khi chúng tớ lên đường đi đâu đó. Lần đầu cô Iwona ôm tớ khóc và kể cho tớ nghe về những áp lực cô đã chịu đựng trong suốt thời gian trước đó. Cô từ bỏ công việc giáo viên và chuyển sang công việc văn phòng bình thường. Cô nói với tớ rằng: “Tại sao tớ phải dành thời gian và sự kiên nhẫn cho những đứa trẻ con của người khác trong khi thời gian cho con của chính mình, tớ lại không có”. Vậy là cô từ bỏ nghề giáo, chọn một công việc thảnh thơi hơn nhưng có thời gian dành cho gia đình. Thật ra, đa số người Châu Á chịu áp lực giỏi hơn người Phương Tây rất nhiều. Cậu sẽ thấy vẻ mặt hốt hoảng, lo lắng của người Phương Tây mỗi khi họ gặp áp lực. Khi tớ ở cùng cô Iwona hay cùng gia đình cô Dorota, tớ luôn thấy họ luôn trong trạng thái hoảng hốt, hớt hải, lo âu. Và đa số người Châu Á tớ biết lại khá bình tĩnh trong mọi chuyện. Đó cũng là lí do dễ hiểu bởi văn hóa Á Đông là nền văn hóa mà mỗi cá nhân được bao quanh bởi rất nhiều quan hệ và sự hoàn mỹ. Người Á Đông chịu áp lực rất nhiều về gia đình, danh vọng, thuần phong mỹ tục. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em đã bị đè nặng áp lực chuyện học, phải học giỏi để có tương lai tươi sáng. Trẻ em Châu Á luôn áp lực khi cố gắng trở thành những đứa con ngoan, trò giỏi, lớn lên cần có trách nhiệm với gia đình. Tất cả những điều ấy đã khiến những trái tim Châu Á trở nên mạnh mẽ và sắt đá hơn.
Chuyến đi lần này cũng dạy cho tớ rất nhiều điều. Mỗi chuyến đi đều cho tớ những kí ức đẹp về con người Châu Âu xa lạ nhưng không ngại dẫn đường cho chúng tớ, về cô Iwona và chú Piotrek với những cái ôm ấm áp và sự chăm sóc vô điều kiện, về mẹ của cô Iwona, người đã tặng tớ hộp trà quý của bà và nói rằng lần tới, bà sẽ là người mời tớ sang Ba lan, Krakow luôn chào đón tớ. Về cô Dorota và thầy Mariusz đã dõi theo chúng tớ đến khi tàu đi khuất, về mẹ của cô Dorota, người đã nấu cho tớ món thịt viên trộn cơm cuộn bắp cải sốt cà chua nổi tiếng của Ba Lan. Rất tiếc rằng một năm sau đó, bà đã mất mà tớ không thể đến viếng. Vậy đấy, Châu Âu nói chung hay Ba Lan nói riêng đã cho tớ thấy những điều bình dị rất đỗi ngọt ngào. Trước đây, học sinh Ba Lan đã từng hỏi tớ rằng: “Cô thích điều gì nhất ở Ba Lan”. Tớ đã trả lời rằng đó là con người.
Con người nơi đó không chỉ dạy cho tớ về lòng tốt, về cho đi không cần nhận lại. Người Ba Lan hay người Châu Âu còn dạy cho tớ về tình yêu, rằng không có một định nghĩa nào dành cho tình yêu, rằng tình yêu vĩnh cửu vẫn tồn tại. Cô Iwona kém chồng rất nhiều tuổi và là đời vợ thứ hai của chú Piotrek. Họ đến với nhau khi chú Piotrek đã có vợ và một cậu con trai. Ai cũng sẽ đổ lỗi cho người thứ ba, đổ lỗi cho cô Iwona đã cướp chú Piotrek khỏi người vợ đầu. Họ đâu biết rằng lí do đổ vỡ của mọi cuộc hôn nhân đều bắt nguồn từ những vấn đề hữu hình và vô hình giữa hai người. Piotrek và cô Iwona gặp nhau khi cuộc hôn nhân của chú Piotrek đang đứng bên bờ vực thẳm. Cô Iwona không sai nếu có sai thì cũng bởi cô đã xuất hiện quá đúng thời điểm của một cuộc hôn nhân tan vỡ. Người con trai đầu của chú Piotrek vẫn trách cô Iwona và Kuba, con trai của cô. Cậu ta nghĩ rằng cô Iwona và Kuba là nguyên nhân dẫn đến đổ vỡ của bố mẹ. Cậu ta không hề biết rằng bố mẹ cậu vốn đã không còn cảm thấy hạnh phúc khi ở bên nhau trước khi cô Iwona xuất hiện. Tình yêu của họ đã vượt qua mọi định kiến, mọi rào cản. Ai nói rằng cuộc hôn nhân đến sau sẽ không hạnh phúc? Người đàn ông hạnh phúc là người làm cho người con gái anh ta yêu hạnh phúc. Sau hơn mười lăm năm chung sống, họ đã có với nhau hai người con, có một căn nhà nhỏ, một cuộc sống bình yên và hạnh phúc. Chú Piotex là cả thanh xuân của cô Iwona còn cô là cả cuộc đời về sau của chú. Vào một buổi chiều đầy nắng, tớ nhìn ra khu vườn của họ. Tớ bắt gặp chú Piotex đang cong người rúc vào người cô Iwona như một đứa trẻ. Họ nằm trên bãi cỏ nói với nhau đôi ba câu rồi cùng nhìn ngắm bầu trời xanh. Họ chẳng cần nói gì, chỉ cần yêu.
Tớ lại thấy một tình yêu thật khác khi sống cùng cô Dorota và thầy Mariusz. Cô Dorota hơn chú Mariusz hai tuổi. So với thầy Mariusz, cô Dorota trông già hơn rất nhiều. Nhưng cô luôn lắng nghe thầy Mariusz, thầy cũng rất yêu thương và chiều chuông cô. Thầy Mariusz là ví dụ điển hình cho những anh Tây Đông Âu gia trưởng, cô Dorota là ví dụ cho những phụ nữ Đông Âu nhẫn nhịn và hi sinh vì gia đình. Họ là minh chứng cho thấy sự tương đồng giữa hai nền văn hóa Đông Tây. Sự khác biệt là do chúng ta tự vẽ nên mà thôi. Họ có với nhau một người con trai và nhận nuôi một cô bé gái. Không chỉ có thầy Mariusz và cô Dorota nhận con nuôi, ở Drawsko có rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn hoặc muốn có thêm con nhận con nuôi. Rất lạ ở chỗ, sau một thời gian sống cùng bố mẹ nuôi, các cô cậu bé con nuôi bỗng chốc trở nên giống hệt bố mẹ nuôi từ cách ăn uống, đi lại, đến nét mặt. Các em dần trở thành một thành viên thật sự trong gia đình, lớn lên trong tình yêu thương trọn vẹn có cả bố và mẹ.
Tình yêu rất lạ và cũng rất tuyệt vời. Châu Âu không hổ danh là xứ sở của sự lãng mạn và những câu chuyện cổ tích. Tớ sẽ kể cậu nghe về một câu chuyện tình làm lay động trái tim tớ. Vào lễ phục sinh năm 2016, tớ và Vinh đến thăm thành phố Gdansk, bên bờ biển Baltic nổi tiếng, nằm phía Bắc của Ba Lan. Trước đây, Gdansk từng thuộc về Đức, sau đó có thời gian là một thành phố tự do như một đất nước nhỏ, sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Gdansk thuộc về Ba Lan. Có thể về lịch sử phức tạp như thế nên ở Gdansk có rất nhiều người Đức đang sinh sống. Cũng bởi lẽ đó, tớ và Vinh có cơ duyên gặp gỡ một cặp vợ chồng người Đức tại Gdansk. Do trời quá lạnh, chúng tớ quyết định dừng chân nghỉ ngơi tại một quán cà phê ở khu phố cổ. Trong lúc Vinh và tớ đang ngồi uống cà phê, bỗng có hai ông bà cụ bước vào quán. Họ ngơ ngác tìm chỗ ngồi, dường như không bàn trống cho họ. Tớ kéo hai chiếc ghê khác vào bàn tớ và mời họ cùng ngồi. Cụ ông và cụ bà cảm ơn rối rít. Cụ ông đã 90 tuổi còn cụ bà 93. Cụ bà đặt tay lên vai cụ ông, chậm rãi giới thiệu với chúng tớ: “This is my man” (Đây là người đàn ông của tớ). Thế rồi họ nắm tay nhau, cụ bà lấy tay lau miệng cho cụ ông, cụ ông khoác lên vai cụ bà và họ nhìn nhau bằng ánh nhìn âu yếm. Lòng tớ bỗng trở nên nhẹ bẫng và an yên. Tớ ước tớ và bố cậu có thể cùng nhau đi đến cuối cuộc đời như thế, cùng nói với mọi người rằng “đây là người đàn ông của tớ” hay “đây là người phụ nữ của tớ”. Tình yêu đôi khi không cần những câu nói sến súa mà chỉ cần thể hiện qua hành động hoặc một lời khẳng định. Thế là đủ rồi.
Nhắc đến chuyến đi Gdansk, tớ lại nhớ đến cuộc gặp gỡ của chúng tớ với một bác gái người Nhật cũng tầm 70 tuổi. Cụ già 70 tuổi nhưng vẫn rất ham học, ham khám phá. Bác đến Ba Lan để tham gia tình nguyện tại một trường Đại học ở Wroclaw. Bác thích học tiếng Anh, thích đi du lịch một mình đến nhiều nơi trên thế giới để học hỏi nhiều điều mới lạ. Tuổi tác có là vấn đề gì nếu con người không ngừng ước mơ?
Châu Âu đã dạy tớ rất nhiều điều. Trong đó có một quy luật rằng không có quy luật nào cả. Châu Âu dạy tớ về một tình yêu muôn màu. Phụ nữ Tây hay Ta cũng đều là phụ nữ, cũng có những trái tim yêu đương nóng hổi, cũng biết yêu và biết tổn thương. Nhìn vào chuyện tình của cô Iwona, rõ ràng người thứ ba không phải kẻ xấu và biết đâu người thứ ba mới là hạnh phúc đích thực của người chồng? Vậy nên buông bỏ đôi khi là giải thoát cho nhau, là được tự hạnh phúc với chính mình, hay là cho người kia một lối thoát tốt đẹp hơn. Một mình không có nghĩa là cô đơn, một mình là lúc chúng ta học cách yêu thương bản thân, là sống tựa như những đóa hoa hướng dương.
Tớ gặp rất nhiều người có cái nhìn một chiều về con gái Châu Á, rằng con gái Châu Á thực dụng, tính toán và luôn làm vì mục đích. Cái đó cũng không hẳn sai nhưng không phải tất cả con gái Châu Á đều như thế. Thế giới có 7 tỉ người và mỗi người là một sắc thái khác nhau. Cũng như chúng ta không thể đánh đồng rằng người Phương Tây chỉ ăn bánh mỳ, khoai tây, chỉ yêu mà không cần cưới, Tây thì giàu hơn Ta, Tây thì văn minh và thông minh hơn Ta. Vì nếu Tây thông minh hơn thì chắc hẳn khi nói về Châu Á, họ sẽ không chỉ nêu cái tên “Trung Quốc”. Hay khi nói về Việt Nam, hầu hết những thầy cô giáo và học sinh từng tiếp xúc với tớ đều chỉ biết về chiến tranh. Việt Nam là một đất nước nhỏ bé, điều đó là không sai. Nhưng con người Việt Nam thì không. Có một số người tớ gặp, họ phủ nhận quê hương và nguồn gốc của họ. Còn với tớ, tớ tự hào khi được sinh ra là người Việt Nam. Tớ vẫn còn nhớ như in những lần hát Quốc Ca Việt Nam hay hát những bài hát dân ca trước lớp, trước bao nhiêu con mắt người Ba Lan và các tình nguyện viên quốc tế. Tớ tự hào khi nói về quê hương đất nước. Tớ vui khi được dạy các em nhỏ múa điệu múa quạt Việt Nam. Tớ vui vì tớ đã chứng minh cho họ thấy rằng con gái Việt Nam thông minh, sắc sảo nhưng giàu tình thương và sự dũng cảm. Con gái Việt Nam biết yêu bằng trái tim chứ không chỉ bằng những tính toán vì đồng tiền.
Với những gì tớ làm được trong những tháng ngày ở Châu Âu, tớ tự tin để nói rằng tớ mãn nguyện với bản thân tớ. Từ một cô bé tự ti vô cùng về ngoại hình đến năng lực của bản thân, giờ tớ đã mạnh mẽ hơn, yêu bản thân hơn. Tớ không còn so sánh bản thân mình với ai khác nữa. Tớ chỉ muốn phiên bản của tớ “ngày hôm nay” sẽ sống tốt hơn tớ của ngày hôm qua.
Cám ơn Ba Lan, cám ơn Châu Âu. Thế nhé! Chúng ta rồi sẽ gặp lại nhau.