Trước đây, khi còn học cấp Ba và Đại học, tớ đã từng nghĩ chỉ có đi du học mới thực hiện được ước mơ “vùng vẫy ở trời Tây”. Với gia cảnh bình thường, tớ rất cần học bổng để thực hiện ước mơ ấy. Học bổng toàn phần không dễ mà vẫn cần tiền để chi trả cuộc sống hằng ngày. Tớ đã nghĩ “nhiều tiền” là cách thực hiện những ước mơ.
Cho đến một ngày đẹp trời, tớ quyết định tìm cách đi Tây để trải nghiệm thay vì học tập. Tớ thấy bạn bè tớ vẫn đi Châu Âu theo dạng tình nguyện. Những bức hình trên mạng mà các bạn ấy chia sẻ khiến tớ háo hức muốn cất bước đi. Thế rồi tớ bắt đầu tìm hiểu. Tớ may mắn được nói chuyện với một cô bạn đặc biệt, đã từng tham gia ba dự án tình nguyện ở Châu Âu. Cô bạn ấy hướng dẫn tớ cách thức để đăng ký dự án. Và tớ chợt nhận ra: “Ồ, đi Châu Âu không khó và tốn kém như mình nghĩ”. Vậy là ước mơ Pháp sẽ sớm thành hiện thực.
Lúc đầu, dự án tớ chọn là dự án xây dựng ở Pháp, kéo dài hai tuần. Tuy nhiên, dự án đã hết chỗ đăng ký. Sau đó, tớ chọn dự án đi Hongkong và rất tiếc dự án cũng không còn chỗ. Lúc ấy, tớ khá hoang mang không biết nên lựa chọn dự án nào. Bỗng một ngày, thông tin tuyển tình nguyện viên của dự án Ba Lan hiện ra, tớ vội đọc thông tin và nung nấu ý định tham gia. Có một điều khiến tớ lăn tăn suy nghĩ. Tớ mới yêu bố cậu được thời gian ngắn nên tớ không dám lựa chọn những dự án dài ngày. Trong khi đó, dự án Ba Lan kéo dài tận sáu tháng. Sau một vài ngày suy nghĩ, nói chuyện cùng bố cậu, tớ quyết định mạnh dạn theo đuổi dự án này.
Có thể nói, cho đến tận bây giờ, tớ chưa từng sử dụng bất kì dịch vụ nào cho việc đi Châu Âu, đi du lịch, hay đi Úc của tớ. Việc tự mày mò việc đi nước ngoài giúp tớ tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Tớ cũng tự tin hơn rằng bản thân mình có thể làm được tất cả. Khi cậu chủ động làm điều gì đó, kết quả sẽ không làm cậu thất vọng. Thế mới nói, đi ra khỏi vùng an toàn của cậu không hề khó, cái khó là cậu dám làm không.
Có rất nhiều người bạn cũng ao ước đi Châu Âu nhưng họ nói với tớ rằng họ không đủ can đảm để từ bỏ vùng an toàn họ đã lập sẵn tại Việt Nam. Hoặc có nhiều người sợ rằng họ chưa đủ “giỏi” để tham gia dự án. Họ sợ thất bại, sợ bị đánh trượt. Tất cả những suy nghĩ ấy là rào cản ngăn họ đến gần hơn với thế giới bên ngoài. Tớ không giỏi, tớ không quá trôi chảy ngoại ngữ, tớ không tự tin nhưng tớ dám đi. Tớ vui khi được chia sẻ chuyến đi của tớ với mọi người để họ tin rằng Châu Âu không quá xa vời. Họ hoàn toàn có thể đi khắp Châu Âu chỉ với một quyển hộ chiếu và một tấm Visa.
Vậy để đi xa như thế có cần nhiều tiền không? Tớ đã đi tình nguyện Châu Âu khi trong tài khoản chỉ có 50 triệu cho toàn bộ chuyến đi. Tớ và bố cậu du lịch Châu Âu chỉ với hơn 50 triệu cho cả hai người. Tớ và bố cậu đến Úc du học và làm việc khi trong túi chỉ có 500 triệu? Tiền học ở Úc đắt gấp 3 lần số tiền chúng tớ có sẵn. Ước mơ vẫn được thực hiện cho dù chúng tớ xuất phát từ mức trung bình. Vì sao? Điều đó nằm ở cách chi tiêu của cậu. Tớ đã liệt kê ra những khoản tớ cần chuẩn bị và ước chừng số tiền cần bỏ ra. Tớ làm việc chăm chỉ và tiết kiệm một cách hợp lí. Tớ lên kế hoạch và lịch trình để có thể đặt được vé máy bay giá rẻ, vé tàu, vé xe thậm chí nơi ở với giá cả phải chăng. Vậy cậu đừng sợ khi nghĩ về Châu Âu nữa nhé!
Tuổi trẻ chỉ có một mà thôi. Đi thật xa để lớn lên và để biết bản thân thực sự là ai? Đi xa để va chạm và để biết rằng nơi tuyệt vời nhất trên đời vẫn là quê hương.
Tuy nhiên, không phải giấc mơ nào cũng màu hồng. Cậu sẽ không lường trước được những gì sẽ xảy ra ở phía trước. Châu Âu văn minh, hiện đại nhưng cũng đầy rẫy những cám dỗ và đôi khi cái giá phải trả là quá đắt. Điều này làm tớ nhớ đến câu chuyện về những “người rơm” vượt biên sang Tây với mong muốn đổi đời – về câu chuyện ba mươi chín người tử vong trong xe container trên đường vượt biên sang Anh. Những “người rơm” mang trong mình dòng máu Việt Nam với tấm hộ chiếu giả Quốc Tịch Hàn Quốc, Trung Quốc đến Châu Âu với tham vọng làm giàu. Họ nhìn thấy những “người rơm” đi trước gửi về gia đình trăm triệu hàng tháng, đi xe oto và diện hàng hiệu. Họ thèm khát được đổi đời. Họ mang một khoản nợ hai tỷ để đổi lấy một cuộc sống “trong mơ”. Và khi họ mất đi, khoản nợ ấy lại đè nặng lên đôi vai của bậc làm cha làm mẹ. Cái giá phải trả cho “ước mơ làm giàu trời Tây” có phải quá đắt không? Mạng người trở nên rẻ mạt trước lòng tham của bọn buôn người và là nỗi đau của người ở lại. Tớ đã gặp rất nhiều “người rơm” vẫn đang sinh sống ở Châu Âu và thậm chí là ở Úc. Họ thường làm nail (làm móng), làm phụ bếp trong các nhà hàng phở, trồng cần sa, nói chung là sinh sống bất hợp pháp. Họ dành trọn vẹn toàn bộ thời gian họ có để cày cuốc kiếm tiền trả nợ cho gia đình và sau đó là gửi tiền hằng tháng về nhà. Ai cũng nghĩ họ sướng? Họ nhiều tiền gửi về nhà thế cơ mà. Họ khoác đồ hiệu, họ chụp ảnh bên tháp Effel, họ cười hạnh phúc lắm mà. Không ai có thể hiểu được rằng họ đã đánh đổi những gì. Tớ có biết một cậu bé sang Úc bằng con đường học. Được một hai năm, em bỏ học và đầu tư toàn bộ thời gian để đi làm trái phép. Đã năm năm em không về nước dù thị thực của em đã hết hạn. Em không dám đi khám bệnh khi đau ốm. Em không về nhà thăm mẹ dù mẹ em chỉ ở một mình sau khi bố em mất. Tôi hỏi em có nhớ nhà không? Em nói rằng em muốn ở lại Úc. Đến giờ tôi vẫn chưa hiểu, thực sự không hiểu. Ở lại theo cách trái phép, không được học, không thể mời người thân sang thăm, không thể đi khám bệnh nhất là khi dịch bệnh đang diễn ra, em có hạnh phúc không? Em có cô đơn không? Sống như vậy liệu có thật sự là cuộc sống?
Tôi cũng gặp những cô chú người Việt lớn tuổi vượt biên từ hai mươi năm trước. Nay họ đã có quốc tịch, họ mở cửa hàng làm móng, mở quán bánh mì và quán phở. Họ có tiền mua nhà, cho con cái học hành đàng hoàng tại nước ngoài. Họ đã đợi bao nhiêu năm để đạt được điều đó? Họ đã đánh đổi bao nhiêu nước mắt và thậm chí mồ hôi và máu để đạt được điều đó? Họ ở Tây nhưng có thực sự văn minh? Với trải nghiệm của tớ, những “người rơm” vẫn vậy. Họ dù mang quốc tịch nào, họ vẫn là người Việt Nam. Họ vẫn có suy nghĩ rất Á Đông dù có thể họ không nhận ra. Họ dù có giàu có vẫn cặm cụi làm việc, không có thời gian để yêu thương bản thân. Họ có thực sự có “sống” đúng nghĩa. Vậy nên, tớ mong cậu sẽ không tiếp tay cho những kẻ buôn người hay trở thành nạn nhân của họ. Hãy đi Tây vì một lí do chính đáng nhất: để học điều hay và trải nghiệm văn minh. Hãy đi Tây theo con đường liêm chính nhất để không phải đánh đổi bất kì điều gì ngoại trừ sự cô đơn. Cô đơn không giết được chúng ta nhưng đồng tiền thì có thể. Cậu nhất định phải tỉnh táo nhé!