Hãy để trẻ em được “trẻ con”

Để trẻ em được sống đúng với độ tuổi của chúng và được là trẻ em là một trong những tiêu chuẩn của nền giáo dục Úc. Tớ nghĩ nền giáo dục nào cũng sẽ có tiêu chí này bởi đó là quyền của trẻ em.

Nhờ học và làm trong môi trường giáo dục, tớ nhận ra được rằng nền giáo dục Phương Đông hay Phương Tây đều có những mặt hai chiều. Điều khiến tớ ám ảnh nhất khi nhắc đến nền giáo dục phương Đông, đặc biệt là Châu Á chính là những lớp học thêm, những căn bệnh thành tích của phụ huynh và cả giáo viên đè nặng lên vãi của những đứa trẻ từ độ tuổi còn rất nhỏ. Các em tớ đã bị lôi đi học tiếng Anh từ khi mới 3 tuổi. Ủa? Biết tiếng Anh sớm làm chi vậy? Lớp 6 lại bắt đầu từ How are you mà? Rồi mọi người ai cũng thích khoe con, thay vì khoe con tôi khỏe, cháu ăn abc, giờ mọi người bắt đầu khoe cháu biết đọc bảng chữ cái, cháu biết mặt chữ dù mới 20 tháng. Ủa? Biết chữ sớm làm gì? Chẳng phải lên mẫu giáo lớn sẽ được học sao? Cứ thế, cứ thế, trẻ em thời đại này lớn lên như những cỗ máy, chả biết gì về đời nhưng luôn tự cho mình biết tuốt. Có rất nhiều thanh niên ở Châu Á tự tử do không chịu được kì vọng từ gia đình và ánh nhìn từ cộng đồng đè lên họ. Hoặc những bạn trẻ gen Z mà tớ gặp ở Úc luôn thích khoe thành tích, khoe tiền của bố mẹ và trong đầu thì chả có gì đặc biệt. Còn Châu Âu hay Phương Tây, họ không áp lực nhiều, nhưng người trẻ tự tử đa phần vì mắc các bệnh về tâm lí do thuốc, rượu bia, hút cần hoặc do cuộc sống không có định hướng. Và đó cũng là cái giá phải trả của sự tự do trong nền giáo dục Phương Tây.

Vậy là cả hai nền giáo dục đều có vấn đề. Tớ sẽ tạm nêu ra ưu điểm của nền giáo dục Phương Tây trước nhé. Tớ khá thích nền giáo dục mầm non ở Úc khi các bé không phải học quá nhiều. Cháu họ tớ ở Việt Nam mới 5 tuổi đã phải đi học thêm tối muộn để chuẩn bị vào lớp 1. Ở Úc, trẻ em không bắt buộc phải đi mẫu giáo. Kindergarten ở Úc không được dịch là mẫu giáo mà được coi là lớp tiền “Big school” – nghĩa là tiền lớp Đại học Chữ to. Trẻ em sẽ được đi học Kindergarten từ 4,5 tuổi và hoàn toàn không bắt buộc. Nền giáo dục Úc dựa trên tinh thần dạy và học chủ động “Intentional teaching” nghĩa là trẻ em sẽ học qua chơi, học qua bài hát, các môn thể thao, hoạt động thể chất, chấp nhận những rủi ro thay vì học từ sách vở giáo điều. Trẻ em Phương tây tự lập từ khi còn rất nhỏ. Từ lúc 6 tháng đến 1 tuổi, các bé đã tự bốc ăn, các bé sẽ báo cho người lớn biết khi các bé cần đến sự giúp đỡ. Một điểm cộng nữa là trẻ em Phương Tây rất ngây thơ, vô cùng trong sáng và cũng nghịch vô cùng. Cách học chủ động như thế khá hay, giáo viên tuy vất vả trong việc phải sáng tạo ra các trò chơi vừa thú vị mà vừa có thể dạy được các bé điều gì nhưng lại rất nhàn, bởi chỉ cần chơi với các bé thôi. Điểm cộng tiếp theo là trẻ em Phương Tây có tiếng nói. Dù mới 3 tuổi nhưng các bé đã rất tự tin nói ra những quan điểm suy nghĩ của mình. Cũng vì tự do trong tư tưởng lẫn cách cư xử nên nhiều bé sẽ rất khó kiểm soát hành vi cũng như là thử thách rất lớn với giáo viên. Bởi giáo viên dưới nền giáo dục Phương Tây đâu được quát trẻ em.

Điều tiếp theo khiến tớ rất phục nước Úc đó là thay vì chạy theo công nghệ trong giáo dục, các trường mầm non đang cố gắng đưa trẻ em trở về những nền giáo dục xưa cũ, khi chưa có ipad, chưa có máy chiếu như bây giờ. Trong khi, Việt Nam lại đang đi ngược lại, đang vươn lên một tầm cao mới, một tầm cao mà trẻ em không còn được an nhiên vui đùa như ngày xưa nữa.

Được nuôi dạy trong nền giáo dục Phương Đông và được trải nghiệm, làm việc trong nền giáo dục Phương Tây, cụ thể là Ba Lan và Úc, tớ ước giá như có một nền giáo dục nào đó là tổng hợp hài hòa của hai nền giáo dục trên thì tốt biết mấy. Một nền giáo dục toàn diện là nền giáo dục kết hợp giữa sự nghiêm khắc của nét truyền thống Á Đông với sự tự do tự tại vùng vẫy trong sáng taoh và tự tin của nền giáo dục Phương Tây. Một đứa trẻ hạnh phúc sẽ là một đứa trẻ tự do. Một đứa trẻ lớn lên thành một người hạnh phúc sẽ là một đứa trẻ được giáo dục tốt và được sống tự do.

Và kể từ đó, tớ không còn nghĩ tới chuyện đầu tư cho con được học tập tại những môi trường tốt nhất nữa. Tớ muốn con tớ được là chính mình, được sống theo cách mà con muốn, được trải nghiệm cái khổ cái vui của trường học như cách mà thời đại tớ, những đứa trẻ hồn nhiên của thập niên 90 được sống và học tập.

Trẻ em khi sinh ra não bộ là phần duy nhất chưa được hình thành một cách hoàn thiện. Ba năm đầu đời đối với một đứa trẻ là vô cùng quan trọng. Nếu cậu nghĩ rằng trẻ em sơ sinh không hiểu gì, không biết gì thì cậu nhầm rồi nhé. Trẻ em rất thông minh, vô cùng thông minh và lanh lẹ. Vậy nên, nếu cậu đang làm cha làm mẹ, hoặc là một ai đó làm việc trong ngành giáo dục thì tớ rất mong cậu sẽ yêu thươn những đứa trẻ ngây thơ và đáng yêu này. Nếu trong ba năm đầu đời các bé không được phát triển về mặt cảm xúc, không được lắng nghe, không được chăm sóc thì những phần neron thần kinh không được sử dụng đến trong não bộ sẽ rụng dần, và rụng đi vĩnh viễn.

Bài đầu tiên tớ sẽ viết tới đây thôi. Tớ rất mong bài viết này có thể giúp ích được cậu, có thể không phải bây giờ, ngay lúc này mà dành cho sau này.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *