Nỗ lực cũng được đền đáp

person writing on brown printer paper

Chào cậu, cậu có ổn không?

Đã mấy tuần nay tớ không viết bài nào, không phải vì tớ có chuyện gì đâu. Chuyện duy nhất là tớ bận đầu bù tóc rối luôn. Bận đến mức không có thời gian để ngồi viết blog là có thật đấy hỡi những người anh em đang đọc blog ạ.

Cập nhật chút xíu về cuộc sống của tớ nhé! Rất may cậu ạ, chồng tớ vẫn giữ được công việc và mọi việc có vẻ rất êm xuôi. Anh sếp rất quý bạn ấy nên đã đề nghị tăng lương và có nhã ý muốn bảo lãnh chồng tớ ở lại Úc. Đó có lẽ cũng là phần thưởng cho những nỗ lực suốt hai năm qua của chúng tớ, nhỉ?

Chuyện thứ hai, sau buổi phỏng vấn và thử việc tại một trường chăm sóc và giáo dục trẻ em mà bên này họ gọi là “Early Learning Childcare Centre”, cuối cùng, trong hơn hai năm ở Úc, tớ đã bước một bước đầu tiên vào nghành giáo dục – ngành mà tớ vẫn luôn yêu thích và theo đuổi. Nhận được thư mời làm việc từ trường, tớ vừa mừng vừa lo. Làm và học ngành giáo dục mầm non khiến tớ cảm thấy ngành này sẽ là thử thách thực sự trong con đường sự nghiệp của tớ. Tớ có thể khẳng định một điều rằng xã hội đã đánh giá quá thấp tầm quan trọng của những “cô nuôi dạy hổ”. Đặc biệt, nghề này ở những quốc gia phương Tây, áp lực còn cao hơn rất nhiều lần. Tớ vẫn còn nhớ hồi trước khi đi học mẫu giáo và cấp Một ở Việt Nam, nếu tớ có ốm đau thì cô sẽ đưa tớ xuống phòng Y tế. Đôi lúc, bác bảo vệ cũng có thể trở thành Y tá luôn. Còn ở bên này, tớ vừa là cô giáo và cũng vừa là Y tá của các em học sinh.

Trẻ em ở Việt Nam cũng ít mắc bệnh dị ứng với thức ăn một cách nghiêm trọng như trẻ em ở Úc. Ngày đầu tiên làm ở trường, tớ bị choáng khi nhìn vào danh sách dị ứng đồ ăn của từng em học sinh được dán trong căng tin của trường. Ôi giời ơi, lần đầu tiên tớ biết cái gọi là “dị ứng quả bơ”, “dị ứng dâu tây”, “dị ứng đường nhưng ăn bánh ngọt thì lại okie la”=)). Đa số các em đều dị ứng với các loại hạt, đặc biệt là lạc. Các em còn dị ứng với trứng và sữa. Đó cũng là lí do các trường chăm sóc trẻ em ở Úc thường loại bỏ các loại hạt và trứng trong thực đơn. Thậm chí, giáo viên cũng không được phép mang đồ ăn có trứng và hạt đến trường bởi có những học sinh nhạy cảm đến mức chỉ cần ngửi mùi là ò í e, xe cứu thương đang đến rồi đây.

Thử thách đáng sợ nhất với tớ là giờ nghỉ trưa. Khác với Việt Nam, trẻ em ở Úc đươc lựa chọn giữa việc ngủ trưa hay là “chơi trong im lặng”. Việc này phụ thuộc vào quyết định của phụ huynh và của cơ thể của từng em. Cậu biết đấy, trẻ em không bao giờ chịu ngồi yên. Nếu một bé đang ngủ nhìn thấy bạn bè của bé đang chơi thì chắc chắn bé sẽ không chịu nằm yên. Việc của tớ là bằng mọi cách phải làm cho bé đó ngủ. Buổi đầu đi làm do không biết nên tớ đã nghĩ đến việc đọc cho bé nghe một quyển sách để bé đi vào giấc ngủ. Quả là một quyết định không sáng suốt cho lắm khi mà các bé khác nhìn thấy cũng túm lại và không chịu ngủ. Cho đến lúc ấy, tớ nhận ra là trẻ em biết hết đấy, thậm chí còn khôn hơn cả tớ cơ. Huhu.

Tớ cũng khá phân vân khi mới nhận được lời mời làm việc tại trường bởi trường khá xa nhà tớ. Thời gian đi làm của tớ mất tầm 1 tiếng rưỡi chưa kể phải dậy rất sớm và về cũng muộn. Tuy nhiên, sau buổi đầu tiên, tớ cảm thấy tớ rất muốn thử sức. Cô giáo tớ nói rất đúng rằng trẻ em là điều duy nhất có thể khiến chúng ta cười vô tư mà không nghĩ ngợi gì. Đúng, các bé làm tớ cảm thấy đau đầu khi các bé hét lên cùng một lúc, khiến tớ cảm thấy mệt khi ru mãi mà không ngủ hoặc các bé quá ồn ào, không chịu ngồi yên trong giờ sinh hoạt chung. Nhưng…trẻ em vẫn là trẻ em. Chúng ta có thể bực dọc với người lớn về những việc họ làm ta khó chịu nhưng với trẻ em, chúng ta trở thành những người lớn “bao dung” hơn bao giờ hết. Tớ cảm thấy việc chấp nhận lỗi sai của trẻ em không khiến tớ bực dọc, mệt mỏi. Tớ muốn cảm ơn các bé đã làm tớ bỗng “ngây thơ” và “hồn nhiên” hơn. Sau buổi đầu làm việc, tớ đã thao thao bất tuyệt, vừa nói vừa cười, vừa kể cho chồng tớ nghe những câu chuyện thú vị tớ có được trong một ngày cùng các bé. Rồi tớ nhớ lại những gương mặt mệt mỏi, ủ rũ của những cô giáo đồng nghiệp mà tớ gặp ở trường, họ có thật sự yêu nghề không? Còn tớ, tớ muốn thử, có những điều áp lực hơn tớ đã vượt qua được thì điều này có đáng gì đâu?

Vậy là cuộc hành trình mới lại bắt đầu. Tớ ước một tuần có nhiều hơn 7 ngày để có thời gian nghỉ ngơi, viết blog và dành thời gian cho chồng tớ. Đợt rồi, anh ốm, chỉ có hai vợ chồng nên khi anh ở nhà, tớ đi làm cũng không thấy yên tâm. Tớ thì đầu tắt mặt tối, đi học 2 buổi từ sáng đến chiều, đi làm 4 buổi và chỉ ở nhà đúng chủ nhật để làm bài tập trên lớp. Anh sốt làm tớ lo lắng không ngủ được. Cũng lúc ấy, mẹ chồng tớ mới phát hiện ra bà đang có tế bào ung thư vú trong người và phải mổ cắt một bên vú. Bỗng trong lúc ấy, tớ nhận ra ở xa như này được cái gì? Có sự nghiệp, tự do, làm những điều mình muốn cũng thích đấy nhưng không thể ở bên người thân lúc họ cần mình nhất, đó là một nỗi trăn trở mà tớ cảm thấy bế tắc và có lỗi vô cùng. Đã vậy trong lúc này, cả Úc và Việt Nam đều bùng đợt dịch mới. Rất may, chồng tớ có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid là tớ đã mừng lắm rồi.

Khi tớ viết được đến dòng này, tớ mừng rơi nước mắt cậu ạ. Bởi ít ra sau chuỗi ngày bao việc ập lên đầu, tớ vẫn không hề bị stress hay cảm thấy quá mệt mỏi về mặt tâm trí. Cuối cùng, tớ cũng có chút thời gian cho riêng tớ để viết tiếp những câu chuyện cuộc đời mình. Và điều khiến tớ vui hơn cả, mẹ chồng tớ đã quyết định tin vào ăn chay để điều trị ung thư. Còn tớ, tớ đã hoàn thành xong quyển sách thứ 10 về dinh dưỡng và phòng chống ung thư, một việc khiến tớ tự tin hơn trên con đường tớ đã chọn. Đặc biệt hơn, sau những chuỗi ngày vất vả lăn lộn trên đất Úc, vợ chồng tớ đã có được công việc đúng ngành học và công việc mà cả hai đều ưa thích. Cảm ơn bản thân tớ vì đã luôn cố gắng và xin cảm ơn chồng tớ – một người bạn đồng hành tuyệt vời.

Còn cậu, cậu thì sao? Tớ hi vọng cậu cũng đang an nhiên giữa cuộc đời bình yên của riêng cậu. Cậu chờ tớ nhé, qua được 1 tháng bận bạc tóc này, tớ sẽ viết tiếp những thông tin về sức khỏe để cậu và tớ, chúng ta cùng nói không với “ung thư” nhé!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *