Chào cậu, cậu có ổn không?
Còn tớ, vừa ổn vừa không.
Hôm qua, Sydney mưa to, biển thì động sóng, những con sóng đánh xô bờ cát kéo theo rất nhiều rác thải. Tớ thường đi phà vào mỗi sáng để đi làm, thường thì ngồi phà lâu, tớ không để ý đến xung quanh cho lắm. Ngày hôm qua, trong lúc đợi phà đến, tớ đứng lặng yên ngắm nhìn khung cảnh trước mắt. Nhà hát con sò vẫn đẹp như mọi khi, bầu trời Sydney bỗng có chút u buồn vì chờ cơn mưa tới. Và buồn hơn cả, biển không còn xanh trong như mọi lần tớ vẫn thấy. Lần đầu tiên, tớ thấy biển Sydney bẩn đến thế. Biển đục ngầu, rác thải nhựa tụ lại một góc phía ga phà, những con cá chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Tớ không biết sao, lúc ấy tớ thấy khóe mắt mình cay cay. Tớ bỗng cảm thấy bất lực
Cách đây vài hôm, tớ có xem một bộ phim tài liệu trên Netflix có tên Seaspiracy của đạo diễn trẻ Kip Andersen, người đạo diễn tài ba của What The Health và Cowspiracy mà tớ từng kể cậu nghe trong bài “Khởi đầu với What The Health và Cowspiracy”. Bộ phim này không nói về bò, hay động vật có chân, Seaspiracy nói về ngành nông nghiệp thủy sản, đặc biệt là đánh bắt cá trái phép và những ảnh hưởng tiêu cực của ngành công nghiệp này đến môi trường, hệ sinh thái. Các trung tâm bảo vệ môi trường, biển và sinh vật dưới biển vẫn thường lên án hiện trạng vứt rác bừa bãi ra biển. Họ thường đăng những bức hình và thông điệp “nói không với đồ nhựa và ống hút nhựa để bảo vệ cá và rùa biển”. Thông điệp này rất tốt nhưng chưa đủ. Vì sao? Bởi vì nhựa, ống hút và bàn chải không phải nguyên nhân chính dẫn đến mất cân bằng hệ sinh thái dưới biển, nguyên nhân nằm ở việc săn bắt hải sản trái phép và lòng tham vô đáy của con người.
Ở những nước phát triển như Nhật Bản hay Quốc gia Bắc Âu, họ bắt và giết cá heo, cá voi để thỏa mãn cơn thèm ăn của họ. Họ bắt cá heo, cá voi để đưa vào thủy cung mua vui cho con người để kiếm hàng tỷ lợi nhuận. Họ giải thích họ làm như thế để có thể tự do câu cá, đánh bắt cá hồi, cá ngừ phục vụ cho con người bởi họ cho rằng cá voi hay cá heo đang cản trở mong muốn của họ. Họ sản xuất những hộp cá hồi bán đầy ở siêu thị kèm theo chứng nhận “dophine safe” nhằm chứng tỏ cho thế giới biết họ không hi sinh cá heo để mang đến hộp cá hồi thơm ngon cho khách hàng. Sự thật hoàn toàn trái ngược lại. Chính bản thân những ông lớn làm ra những chứng chỉ đó cũng không dám khẳng định rằng cá heo được an toàn khi họ đánh bắt cá hồi.
Seaspiracy chỉ ra tầm quan trọng của cá mập, cá heo và cá voi trong tầng sinh thái đại dương. Và những ông lớn của đại dương này dần bị tuyệt chủng. Con người cắt vây cá mập để làm món súp hấp dẫn trên bàn ăn rồi quẳng chúng trở lại biển. Những con cá mập lớn không vây sao có thể bơi được. Thế rồi chúng chết, thậm chí chết trước khi được trở về nhà.
Nếu cậu xem Seaspiracy, tớ tin chắc cậu sẽ không còn dám ăn cá nữa. Nếu cậu nhìn thấy những vùng biển đỏ, ngập máu của những con cá heo, cậu sẽ không còn dám ăn cá nữa. Nếu cậu nhìn thấy sự thật đằng sau ngành lao động đánh bắt trên biển, nhìn thấy những cậu bé còn nhỏ tuổi bị bạo hành thậm chí thả xác trôi trên biển cả mênh mông, cậu sẽ không còn dám ăn cá nữa.
Tớ – từng là một cô bé nghiện ăn cá. Kể từ hổi ăn chay, tớ đã từ bỏ được món ăn yêu thích ấy. Và cho đến khi xem Seaspiracy, chồng tớ cũng đã nói với tớ rằng: “Anh sẽ không thể ăn nổi cá nữa”.
Nếu cuộc đời ban tặng cho tớ một phép màu thì tớ ước muôn loài trên thế giới này đều được sống công bằng như nhau. Nếu con người có quyền được sống, đều sợ hãi trước nỗi đau thì cá hay các loại vật khác cũng đáng được như vậy. Ai bảo cá là không biết đau?