Qua mỗi bộ phim, cậu sẽ học được rất nhiều bài học. Thế nên, cậu nhất định phải chọn những bộ phim đáng xem. Cậu sẽ nhận ra cuộc đời là một bộ phim, qua những thước phim cậu nhìn thấy cuộc đời.
Khi cậu lớn lên, tớ sẽ cho cậu xem bộ phim đã thay đổi cuộc đời tớ “Một lít nước mắt”. Bộ phim kể về Aya Kito, một cô gái trẻ người Nhật mắc phải căn bệnh thoái hóa tiểu não khi mới bước sang tuổi Mười Sáu. Cô gái ấy là nguồn cảm hứng lớn lao cho tớ, giúp tớ mạnh mẽ và kiên cường hơn. Bộ phim giúp tớ nhận ra gia đình quan trọng đến thế nào. Bộ phim cũng là động lực để tớ vượt qua kì thi Đại học. Nếu Aya làm được thì tớ cũng làm được.
Rồi chúng ta hãy cùng nhau xem “Reply 1988” khi cậu đã có “một thời thanh xuân đã qua” nhé! Chúng ta sẽ cùng nhau trải qua những cảm xúc nhớ nhung tuổi học trò, nhớ về một tuổi trẻ rực rỡ, nuối tiếc về những điều cậu chưa làm, những gì đã qua không thể quay trở lại. Chúng ta sẽ cùng cười cùng khóc với bộ phim. Có một chi tiết trong phim đã giúp tớ nhận ra rằng mọi bố mẹ đều yêu thương con cái vô điều kiện. Khi được hỏi về ước mơ, cậu có biết ước mơ của các phụ huynh là gì không? Ước mơ của bố tớ đều xoanh quanh con cái, họ ước rằng con của họ sẽ thành công và hạnh phúc. Còn ước mơ của những người con là được trở thành một ai đó trong cuộc đời. Khi chúng ta còn trẻ, mọi ước mơ đều xoay quanh bản thân. Còn với bố mẹ, kể từ khi mang nặng đẻ đau ra đứa con đầu tiên, cho đến cuối cuộc đời, con cái là ước mơ lớn nhất của họ. Thế mới nói con cái đôi khi thật ích kỉ. Rồi tớ nhận ra tớ cũng là một kẻ ích kỉ khi chỉ nghĩ đến ước mơ của bản thân mà quên đi sự cô đơn của mẹ tớ. Nhưng cậu biết không, mẹ tớ lại nói rằng ước mơ của mẹ là được thấy tớ nên người, thấy tớ được hạnh phúc làm những điều tớ muốn. Tớ rất mong, tớ đang làm mẹ tớ hạnh phúc.
Bộ phim tiếp theo chạm đến trái tim tớ là Prison Playbook (Cuộc sống ngục tù). Lấy bối cảnh cuộc sống của các phạm nhân nơi ngục tù tăm tối, bộ phim đã khắc họa một khía cạnh khác, một mặt sáng của những con người nơi đáy xã hội. Như việc những kẻ giết người mà chúng ta vẫn thấy ghê rợn, trong phút chốc họ vẫn bộc lộ ra lòng nhân ái còn xót lại nơi con người họ. Hoặc có những con người vốn dĩ lương thiện nhưng khi kẻ ác đã cướp đi sinh mạng của người thân, họ bỗng trở thành sắt đá, họ giết người để trả thù cho người thân. Họ không đủ mạnh mẽ để vượt qua nỗi đau và sự hận thù. Họ dùng cái ác để trị cái ác. Rồi cũng có những người rất lạnh lùng như cai ngục Peang nhưng ông là điểm nhấn của cả bộ phim. Ông là một người đàn ông ấm áp và yêu thương phạm nhân. Một bộ phim kể về những con người tưởng chừng “vô nhân đạo” nhưng bản chất của họ lại đáng được yêu thương. Nhà tù đã trở thành ngôi nhà chung nơi cảm hóa những kẻ xấu và đem những trái tim lương thiện đến gần với nhau. Bộ phim còn là sự hi vọng, hi vọng về ánh sáng nơi cuối con đường hầm. Cái chết thật sự không phải là lúc nhận án tử hình mà là lúc ta ngừng hi vọng. Thay vì căm hận, chán ghét cuộc sống trong tù, những phạm nhân “vô tội bị oan” đã chấp nhận và làm quen với cuộc sống mới. Họ đã dùng lòng tốt, tình yêu thương để tồn tại nơi tưởng rằng chỉ dành cho tội ác. Bộ phim sẽ giúp cậu nhận ra rằng chúng ta không thể đánh giá ai đó qua vẻ bề ngoài hoặc cách mà họ thể hiện ra ngoài. Để đọc vị một ai đó, hãy nhìn vào mắt họ, nhìn vào cách họ nói chuyện, cách họ giúp đỡ một ai khác. Phim âu cũng dựa trên chuyện đời mà.
Bộ phim tiếp theo đã thay đổi tớ hoàn toàn về cách mua sắm và từ một đứa nghiện mua giày, tớ đã chỉ đi đúng một đôi trong gần 5 năm, đi đến khi rách mới mua đôi khác. Đó là bộ phim tài liệu “The true cost” do Andrew Morgan làm đạo diễn. Bộ phim nói về ngành công nghiệp thời tranh nhanh hay còn gọi là fast-fashion, nói về những câu chuyện về môi trường, về con người phía sau những bộ cánh mà chúng ta vẫn khoác lên mình mỗi ngày. Vì sao lại đặt tên là “The True Cost”? Bởi cái giá phải trả phía sau sự phát triển của ngành công nghiệp thời trang là quá đắt. Như chúng ta đều đã biết, quần áo được may từ vải, và vải được làm từ sợi bông. Hơn 90% số bông đó hiện đã được biến đổi gen, sử dụng một lượng lớn nước cũng như hóa chất để sản xuất. Sản xuất bông hiện chiếm 18% lượng thuốc trừ sâu sử dụng trên toàn thế giới và 25% tổng lượng thuốc trừ sâu đã được sử dụng. Những cánh đồng trồng bông được phun thuốc trừ sâu, đất bỗng nhiễm đốc và không khí ô nhiễm. Nguồn nước thải ra từ các khu công nghiệp dệt may, đặc biệt là sản xuất thời trang bằng da, đã gây ô nhiễm sông ngòi và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân sống ở khu vực đó. Bệnh về da, bệnh về phổi và còn nhiều bệnh khác ập đến với những người dân sống trong khu công nghiệp. Cậu sẽ nhìn thấy những ánh mắt buồn của những người nghèo ốm yếu và những giọt nước mắt bất lực của họ bởi họ không thể thay đổi được điều gì. Ngành công nghiêp thời trang nhanh còn là cơn ác mộng về quyền của con người. Thời trang nhanh được tạo nên bởi nhân công giá rẻ đến từ các nước nghèo hoặc đăng phát triển trên thế giới. Mức lương rẻ mạt cùng với đó là sức khỏe không được bảo vê, thậm chí còn ảnh hướng đến tính mạng, điển hình là vụ nổ trung tâm thương mại Rana Plaza – nơi rất nhiều hãng thời trang đặt làm trụ sở sản xuất ở Bangladesh, đã cướp đi sinh mạng của hơn 1000 người trong đó 491 công nhân trong các xưởng may bị thương và 27 người tử vong. Vụ nổ xảy ra là do cơ sở vật chất không đảm bảo, tớ tự hỏi tại sao họ có thể dũng cảm làm việc ở một môi trường tệ hại đến vậy?
Cậu thấy đấy, rõ ràng thời trang nhanh hay thời trang hàng hiệu đều gây ảnh hưởng “khổng lồ” đến con người, môi trường, sức khỏe và cả thiên nhiên nữa (bao gồm động vật và cỏ cây). Vậy cậu có muốn sống tối giản hơn, tiêu dùng thông minh hơn, tiết kiệm hơn để góp phần bảo vệ trái đất này, hay là bảo vệ chính cậu? Còn tớ, tớ chọn ăn chay và sống tối giản.