Chương VI: Cuộc đời qua những trang sách

Nếu bạn nhìn vào tủ sách của một ai đó, bạn sẽ biết con người thật của họ.

Tớ thấy câu này rất đúng. Tủ sách của tớ đa số là những câu chuyện chu du đó đây hay những câu chuyện phiếm, đặc biệt hơn là các tiểu thuyết thiếu nhi. Cậu sẽ cười tớ đúng không? Rằng hai mươi mấy tuổi tớ vẫn còn đọc truyện thiếu nhi? Nhưng để tớ giải thích đã nhé. Tớ không đọc truyện tranh, mà tớ đọc tiểu thuyết. Tớ nhận ra một điều, tiểu thuyết thiếu nhi viết cho trẻ con nhưng lại dành cho người lớn. Tớ đã thay đổi rất nhiều, sống hồn nhiên, vô tư hơn từ những câu chuyện đó. Tớ học cách yêu thương khi đọc cuốn “Cuộc phiêu lưu của Edward Tulane” của tác giả Kate Dicamillo, cuốn sách hay nhất mà tớ từng đọc. Câu chuyện về một chú thỏ sứ kiêu ngạo, lạnh lùng, không quan tâm ai trên cuộc đời ngoài trừ chú ta. Nhưng chính những cuộc phiêu lưu nay đây mai đó, những gặp gỡ bất ngờ giữa chú và những người lạ trên cuộc hành trình đã sưởi ấm trái tim lạnh lẽo của Edward. Chú thỏ sứ đã thay đổi, nơi con tim khô cằn của chú nay đã trở nên ấm áp hơn, chú đã biết yêu thương.

Cuốn sách thứ hai lay động trái tim tớ và thay đổi tớ khá nhiều đó là cuốn “Ivan có một không hai” của tác giả Katherine Applegate. Ivan có một không hai là câu chuyện tựa trên lời kể của một chú khỉ đột bị giam cầm nhiều năm. Chú khát khao được tự do, được trở về với bày đàn, được gặp mẹ và em gái. Những con vật oai hùng như thế, một chú khỉ đột, hay một cô voi đều bị đánh gục bởi lòng tham và sự độc ác của con người. Truyện về Ivan hay là truyện về tiếng kêu cứu của những anh bạn động vật bị nhốt sau lồng sắt, đang chịu những đòn roi để mua vui cho con người. Ivan giúp tớ tỉnh ngộ rằng hãy nói không với xiếc thú, hãy nói không với những sản phẩm thời trang làm từ động vật, hãy nói không với những thủy cung nơi những chú cá voi đang oằn mình trước những tràng vỗ tay của con người. Tớ ước mọi người sẽ đọc Ivan nhiều hơn, để biết yêu thương những giống loài khác họ.

Nếu cậu là người mê tìm hiểu về lịch sử hoặc chán ghét học lịch sử trên lớp thì “Chuyện nhỏ trong thế giới lớn” của tác giả Ernst Gombrich có thể rất hữu ích cho cậu. Thay vì giáo dục lịch sử qua những lý thuyết ghi chép trên lớp, phim ảnh và truyện về lịch sử là cách hay nhất để yêu và thích học lịch sử. Tớ đã từng rất chán khi nghĩ đến những tiết học lịch sử trên lớp và cảm thấy lười biếng mỗi khi học thuộc bài trước giờ kiểm tra. Cho đến một ngày đẹp trời, tớ vô tình xem được một bộ phim hay về chiến tranh Việt Nam như Mùi Cỏ Cháy, Đừng Đốt, tớ bắt đầu thích tìm hiểu về chiến tranh, về lịch sử. Tớ thật may mắn khi được trò chuyện với một chị đồng nghiệp ham mê lịch sử. Chị thuộc vanh vách lịch sử Việt Nam trong lòng bàn tay. Nghe chị kể, tớ tự hào hơn về dân tộc mình, tự hào hơn về lịch sử của đất nước nhỏ bé nhưng kiên cường này. Rồi tớ vô tình xem được những bộ phim về chiến tranh thế giới thứ hai, về nạn bài Do Thái, tớ lần mò tất cả những phim liên quan để nghiền ngẫm. Phim chiến tranh đã thức tỉnh tớ một phần nào đó trong tâm hồn, rằng đã có những điều phi thường trong bom đạn, có những lòng tốt và tình yêu nước vượt trên cả tính mạng của bản thân. Thế rồi tớ bắt đầu đi tìm những quyển sách về lịch sử, về những con người “sống” trong lịch sử và ra đi khi hòa bình mới chớm nở như câu chuyện về Anne Frank, cô bé người Do Thái với quyển nhật kí ghi lại những ngày cùng gia đình trốn chạy khỏi Đức Quốc Xã trong thời kỳ Đức Quốc xã chiếm đóng Hà Lan. Hay câu chuyện tớ vừa kể trên “Chuyện nhỏ trong thế giới lớn”, một cuốn sách viết cho thiếu nhi nhưng lại dành cho người lớn. Cuốn sách không chỉ viết về lịch sử của thế giới từ hơn 3000 năm trước Công Nguyên mà còn kể cho chúng ta nghe về nguồn gốc của những phát minh vĩ đại như vì sao có bảy ngày trong tuần, vì sao số 12 lại đọc là “mười hai” thay vì một hai, vì sao Chúa Jesu là bị treo trên cây Thánh Giá, hay dân tộc Do Thái và Đạo Do Thái là khởi nguồn của Kito Giáo, của Thiên Chúa Giáo, hay câu chuyện ra đời của Đạo Phật. Cuốn sách còn cho ta đến Trung Hoa, nơi bắt nguồn của Nho Giáo, chỉ ra cho chúng ta thấy vì sao Khổng Tử lại là người thầy vĩ đại của dân tộc Trung Hoa chứ không phải Lão Tử. Trong sách nói rằng Khổng Tử quan niệm điều quan trọng nhất là mọi người sống hòa thuận với nhau. Ông cho rằng mọi người sinh ra đều lương thiện và bản chất dù thế nào vẫn là người lương thiện. Khác với Khổng Tử, Lão Tử cho rằng điều quan trọng nhất khi sống trên đời là “không làm gì cả”. Không suy nghĩ, sống đơn giản cho đời thanh thản. Còn cậu, cậu nghĩ đâu mới là triết lí sống đúng đắn nhất? Cậu chọn Khổng Tử hay Lão Tử? 

Đến truyện “Con mèo dạy Hải Âu bay” của cố nhà văn Luis Sepúlveda – người mới qua đời vì virus Covid-19, tớ nhìn thấy sự ích kỉ của con người. Tớ nhìn thấy nỗi đau của những sinh vật bị mắc kẹt trong đống rác thải mà con người bày ra. Con vật dù khác giống loài nhưng vẫn có thể yêu thương nhau, học cách để che chở cho nhau nhưng với con người thì không. Con người sợ bị thua thiệt, sợ sinh vật có thể trở nên thông minh hơn con người. Và tớ bị ám ảnh bởi câu nói này: “Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự khó”.

Cậu biết không? Điều này thật đúng với tớ và bố cậu. Tớ và bố cậu vốn là hai cục nam châm trái dấu hoàn toàn với nhau. Bố cậu nhìn qua là người ít nói và trầm tính, còn tớ nói nhiều và sôi nổi. Nhưng khi bắt đầu tìm hiểu nhau, tớ nhận ra chúng tớ rất giống nhau. Nhất là khi mới yêu, mọi thứ dường như thật mờ ảo. Chúng tớ nhìn thấy nhiều điểm chung từ đối phương. Nếu soi gương, tớ sẽ nhìn thấy cậu ấy còn cậu ấy cũng sẽ nhìn thấy tớ ở trong gương. Tớ nhận ra bố cậu thực chất là một người rất năng động, hay cười và cũng hài hước, còn tớ lại dần trầm tính và điềm tĩnh hơn từ khi yêu bố cậu. Từ việc khác nhau, chúng tớ lại lây nhiễm những tính cách của nhau từ lúc nào không hay hoặc chúng tớ đã khai thác được những điều tiềm ẩn mà trước giờ bản thân không hề hay biết. Tuy nhiên, càng yêu nhau lâu, những tật xấu và những điểm khác biệt bắt đầu lộ ra hoàn toàn. Bố cậu là người lạnh lùng, ít nói và đôi lúc hơi vô tâm. Bố cậu cẩn thận bao nhiêu thì tớ bất cẩn và hậu đậu bấy nhiêu. Tớ thường thích đi dạo, đi ra khỏi nhà còn bố cậu là người thích ở nhà. Lúc yêu, bố cậu không chơi điện tử và sau khi kết hôn, tớ mới biết bố cậu “rất thích” chơi điện tử trên điện thoại. Và đôi khi quên luôn sự có mặt của tớ. Tớ là người nhanh nhẹn, đôi khi hấp tấp, bố cậu lại là người từ tốn, điềm tĩnh, bình thản đôi khi trở nên “lề mề, đủng đỉnh”. Tớ là người rất coi trọng thời gian và có thể sắp xếp thời gian linh hoạt để làm được nhiều việc. Bố cậu là người rất tốt trong việc lên kế hoạch nhưng lại không biết sắp xếp thời gian để cân bằng cuộc sống. Tớ và bố cậu như hai cục nam châm trái dấu hút nhau, và một khi đã dính vào nhau là không thể tách rời. Đúng là để yêu được người khác mình, chúng ta cần kiên trì rất nhiều. Bố cậu cũng đã nhẫn nại với tớ. Chúng tớ rất ít khi cãi nhau hay tranh luận điều gì đó vì cả hai đều hiểu, sự cảm thông và lắng nghe sẽ xóa đi ranh giới của sự khác biệt. Thay vì lên án nhau, chúng tớ học những điểm tốt của người kia để cải thiện đi tính xấu của mình. Tớ học bố cậu cách lên “danh sách những việc cần làm” trong đời sống lẫn công việc. Tớ sống bình tâm hơn, ít nói linh tinh hơn. Không nóng tính, không cáu giận. Và tớ nhận ra việc lấy một anh chàng lạnh lùng không có nghĩa tớ sẽ sống một cuộc sống khô khan. Bởi tớ biết trái tim cậu ấy rất ấm áp. Tớ đã có một chuyện tình an yên, có những sóng gió, có những lúc tưởng chừng lạc mất nhau nhưng sau tất cả, tình yêu vẫn là tình yêu. Có lẽ bởi vì khác nhau nên càng không thể sống thiếu nhau, như hai mảnh ghép có cấu trúc khác nhau nhưng khi ghép vào lại khớp nhau đến lạ kì. Tớ nhận ra, việc đọc truyện thiếu nhi giúp tớ nhìn cuộc đời bằng con mắt sáng hơn, hồng hơn, hạnh phúc hơn. Cuộc đời không màu hồng nhưng tớ không bi quan về điều đó. Cũng như tớ đã từng đau khổ trong tình yêu nhưng tớ vẫn tin vào tình yêu. Vì tin vào tình yêu nên tớ đã gặp được một người có thể làm cho tớ hạnh phúc. Và tớ tự hạnh phúc với chính cuộc sống này. Tớ đã từng bị bạn phản bội, tớ vẫn tin vào tình bạn. Tớ đã từng bị phản bội bởi chính người bố của mình nhưng tớ vẫn tin vào hôn nhân. Nếu có điều gì đó khiến chúng ta tổn thương chỉ vì đã quá tin thì cũng đáng để tổn thương chứ? Con người sinh ra để bị tổn thương và làm người khác tổn thương mà.

Tiếp đến, tớ sẽ kể cậu nghe về một quyển sách đã hoàn toàn thay đổi tớ, không chỉ về nhận thức mà còn về cách sống, cách nấu ăn để trở thành bác sĩ của gia đình. Đây không phải tiểu thuyết thiếu nhi mà là quyển sách nói về sức mạnh của thực phẩm có thể chữa lành những nỗi đau bệnh tật. Đó là cuốn “How not to die” dịch ra là “Ăn gì để không chết” của tác giả Michael Greger, một bác sĩ người Mỹ. Lúc còn nhỏ, khi ông tận mắt chứng kiến người bà của ông chiến đấu với căn bệnh ung thư, kéo dài sự sống thêm mấy chục năm nhờ việc thay đổi cách ăn uống và sinh hoạt, ông đã quyết tâm tìm hiểu về dinh dưỡng và y học để trở thành một bác sĩ. Một bác sĩ tốt không phải là người kê đơn thuốc giỏi mà là người giúp bệnh nhân khỏi bệnh mà không dùng thuốc. Không dùng mê tín, không phải thầy lang băm, bác sĩ tốt nhất là chính bản thân mỗi con người. Nếu chúng ta biết điều chỉnh cách ăn uống, dinh dưỡng thì hoàn toàn có thể đầy lùi bệnh tật. Quyển sách đã thay đổi hoàn toàn cách ăn uống của tớ. Trước đây, tớ đã từng ăn chay khá lâu nhưng do chưa tìm hiểu kĩ về dinh dưỡng nên còn thiếu chất, cảm thấy mệt mỏi. Tớ quay trở lại ăn thịt sau khi lấy chồng. Nhờ quyển sách này, tớ hiểu hơn về giá trị dinh dưỡng từ những loại rau, quả, hạt và biết cách kết hợp để có một cơ thể khỏe mạnh hơn. Tớ bắt đầu quay trở lại ăn chay một cách có trách nhiệm và hiểu biết. Tớ nhận ra cơ thể tớ khỏe mạnh hơn, trí nhớ tốt hơn và đặc biệt lòng bình an hơn. Tớ bắt đầu thích đi sâu tìm hiểu về dinh dưỡng, về sức khỏe để có thể giúp những người xung quanh tớ, gia đình tớ khỏe mạnh hơn. Ăn chay là cách để tớ tạ lỗi và trả ơn thế giới tự nhiên. Tuy nhiên, nhiều người ăn chay cực đoan luôn cho rằng ăn thịt là xấu xa. Tớ lại không nghĩ vậy. Con người sinh ra là để sống, mà sống là phải giết các loài khác để tồn tại. Đây vẫn là quy luật tự nhiên được vận hành bao đời nay. Vậy nên tớ và bố cậu lựa chọn trở thành FLEXITARIAN – người ăn tùy duyên – để tôn trọng đồ ăn mà người khác nấu, dù là chay hay là thịt. Chúng tớ là Vegan (người ăn chay) khi ở nhà và trở thành “kẻ ăn tùy duyên” khi làm khách. Sống khỏe để đón cậu chào đời, sống khỏe để cùng cậu lớn lên. Phải không nào?

4 thoughts on “Chương VI: Cuộc đời qua những trang sách

    • KasiaTruong says:

      =))) Cảm ơn bạn đọc có tâm nhé. Thank for motivating me to keep moving on. I just updated the rest of my book here and hope that you will enjoy <3. Big hugs hugs he he he.

  1. Anh Hùng says:

    Blog có giọng văn hay đó. Chúc hai bạn P vs M viết nên nhiều câu truyện đáng yêu và tích cực cho cuộc sống này. Sẽ chăm chỉ follow and support cho các bạn!!!

    • KasiaTruong says:

      Cảm ơn đại ca ạ. Em cũng muốn in ra 1 quyển cho bố mẹ đọc vì e cũng viết về mọi người <3. Cả nhà là động lực để e viết tiếp câu chuyện nè ạ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *