Tớ sẽ kể cậu nghe về chương đẹp nhất trong cuộc đời tớ.
Sau khi tốt nghiệp Đại học, tớ rất may mắn khi được làm công việc mà tớ hằng mơ ước – Chuyên viên Marketing. Tớ có một công việc ổn định, một công việc mà những tháng năm sinh viên tớ yêu thích. Tớ gặp được người thầy đầu tiên, người sếp đã dạy tớ rất nhiều điều và dạy tớ về trách nhiệm với công việc. Tớ gặp được những đồng nghiệp tốt và yêu quý tớ. Công việc chế độ khá tốt nhưng tớ vẫn quyết định nghỉ sau gần một năm gắn bó.
Cậu sẽ thắc mắc vì sao?
Hồi đó tớ làm nhân viên Marketing cho một công ty ở khu Công nghiệp, tớ đi làm khi ông mặt trời còn đang ngủ và về nhà lúc mặt trời sắp lặn. Cuộc sống gần một năm cứ lặp đi lặp lại, bắt đầu từ 5 giờ sáng và lên giường đi ngủ lúc 10 giờ tối. Tớ cũng không có nhiều thời gian để gặp bố cậu. Với cá tính của tớ, tớ mới 22 tuổi, còn quá trẻ để chôn vùi tuổi xuân với một nơi như thế. Vậy là tớ quyết định nghỉ việc và đi thật xa. Tớ không nói với gia đình về dự định này mà tự tìm hiểu và tự đăng ký dự án. Tớ đã cố gắng làm việc thật chăm chỉ để tiết kiệm đủ tiền chuẩn bị cho chuyến đi. Tớ báo với bố mẹ khi trên tay đã có Visa. Ai cũng rất ngạc nhiên về quyết định này của tớ. Mẹ tớ thậm chí còn phản đối, tìm đủ cớ để giữ tớ lại. Thật may mắn vì tớ có bố cậu ở bên. Bố cậu đã liên hệ với những người từng tham gia dự án trước đó để xin lời khuyên từ họ, rồi cũng gọi điện thuyết phục bà ngoại cậu cho tớ đi. Cuối cùng bà cậu cũng đành đồng ý rồi tớ đi, tớ đi theo tiếng gọi của ước mơ. Vậy là ước mơ đặt chân đến Châu Âu từ thuở nhỏ bằng chính đồng tiền tớ kiếm được đã thành hiện thực rồi. Và điểm đến của tớ là Ba Lan, nơi tớ chưa bao giờ nghĩ đến trước đó. Chuyến đi sáu tháng bắt đầu từ đó.
Sáu tháng không chỉ là những trải nghiệm hoàn toàn khác biệt mà còn là những tình cảm chân thành mà tớ nhận được từ những người dân Ba Lan hiền lành. Là những nỗi cô đơn đến tột cùng, nỗi nhớ nhà da diết mỗi khi nhìn thấy những bông tuyết rơi bên ngoài khung cửa sổ. Là những ngày yêu xa mệt nhoài, những giận hờn không biết tỏ cùng ai. Là những ngày bước chân mòn mỏi in dấu trên muôn nẻo đường những nơi đã đi ở Châu Âu. Bao câu chuyện, bao trải nghiệm với những việc đã làm, những người tớ đã gặp đã khiến Ba Lan trở thành quê hương thứ hai của tớ. Nơi tớ có thể gọi là Nhà mỗi khi trở về. Tớ yêu Ba Lan và có lẽ cũng nợ đất nước này rất nhiều. Tớ nợ Ba Lan một lời cảm ơn vì đã ban tặng cho tớ những người bạn tuyệt vời, những người đã dạy cho tớ rằng cho đi đôi khi không cần nhận lại. Tớ muốn cảm ơn tới Vinh, người bạn đồng hành của tớ, tới Caterina, chị người Ý đáng yêu nhưng lại nhạy cảm và có chút yếu đuối. Tớ muốn cảm ơn tới thầy Mariusz và cô Dorota cùng mẹ cô vì đã yêu thương và chăm sóc tớ như người trong gia đình, và lời cảm ơn tới cô Iwona cùng gia đình cô bởi đã đối xử tốt với tớ. Tớ muốn gửi lời cảm ơn tới tất cả những người xa lạ tớ đã gặp trên tàu hay trên đường phố Ba Lan, ở Paris, Berlin hay bất cứ nơi đâu tớ đã đặt chân đến vì đã giúp tớ vô điều kiện. Tớ cũng nợ Ba Lan một lời xin lỗi vì đã không đủ bản lĩnh để ở đây lâu hơn nữa, không đủ tình yêu với công việc để có thể gắn bó với nó lâu dài. Nhưng với tớ, Ba Lan là điểm đến thứ hai sau quê hương Việt Nam, nơi mà chắc chắn tớ sẽ “trở về” rất nhiều lần.
Ngày 30/12/2015, tớ lên đường chinh phục ước mơ. Tớ dạy sớm từ sáng để cùng bố cậu đến dự đám cưới người bạn thân của tớ ở tận Hà Nam rồi lại chạy vèo lên Hà Nội để ra sân bay. Bố cậu đã đưa cho tớ chiếc áo mà bố cậu thích nhất rồi nói rằng: “Anh muốn em biết rằng anh luôn ở bên em”. Lúc vào cửa hải quan, tớ thấy tớ tớ, bố cậu và cô bạn thân của tớ đang dõi theo tớ đến khi bóng tớ khuất dần. Tớ đã vội vẫy tay chào bố cậu và nói bằng khẩu hình miệng “Em yêu anh” và bố cậu cũng đáp lại “Anh yêu em”. Về phần chiếc áo khoác của bố cậu, chiếc áo ấy đã bên tớ suốt những tháng ngày ở Ba Lan, tớ vẫn thường ôm nó mỗi khi đi ngủ và thậm chí mang đi làm để biết rằng bố cậu đang đồng hành cùng tớ.
Sau 20 tiếng trên máy bay, cuối cùng tớ và Vinh cũng hạ cánh đến Thủ đô Warsaw, Ba Lan. Chúng tớ chạy ùa ra cửa để đón cái lạnh -8 độ C lần đầu trong đời. Về phía tổ chức bên Ba Lan, Adam – người phụ trách điều phối tình nguyện viên bên tổ chức EFM có gửi chúng tớ địa chỉ nơi gặp mặt: “Chúng ta gặp nhau ở Dlugopole Zoj, khách sạn Alexdandra”. Chỉ có thế. Chúng tớ ngơ ngác nhìn nhau trong vô vọng. Vừa chân ướt chân ráo đến một vùng đất xa lạ, một đất nước khác biệt hoàn toàn về ngôn ngữ, văn hóa, làm sao chúng tớ có thể tìm đến điểm hẹn bằng dòng tin nhắn ấy. Chúng tớ hỏi đường rất nhiều người nhưng không ai biết về địa điểm đó. Chúng tớ chỉ biết có thể nơi ấy rất xa như kiểu nhiều người Hà Nội chưa chắc đã biết về các địa điểm ở miền Nam và ngược lại. Chúng tớ bắt đầu mua vé tàu, vé đi lại và vì quá bỡ ngỡ trước máy mua vé mà hai đứa cứ thơ thẩn hơn một tiếng trời mới mua được vé. Chúng tớ lên đại một chuyến tàu gần nhất để ra khỏi sân bay. Chà chà, lần đầu được đi tàu điện là như thế nào. Tàu cứ phi vèo vèo, nhanh đến nỗi tớ chẳng kịp ngắm nhìn đường phố hai bên đường. Tớ chỉ thấy thoáng thoáng một cảnh đìu hiu, cây cối trơ trọi khô cằn trước gió lạnh mùa đông. Những bức tường trên đường phố được trang trí bởi các nét vẽ graffiti tự do. Cảnh tượng trước mắt cho tớ thấy Ba Lan quả là một nước nghèo ở Châu Âu cho đến những tháng về sau, khi xuân đến, tớ mới biết lúc ấy tớ chỉ như chú ếch ngồi đáy giếng, nhìn Ba Lan qua lăng kính nhỏ bé.
Tàu đã đến ga cuối cùng. Tớ cũng không biết tớ đang đi đâu nhưng vì mọi người đều xuống nên tớ cũng xuống khỏi tàu. Rồi chúng tớ lại lóng ngóng không biết đi đâu tiếp. Lúc ấy, Google map không nhanh nhạy như bây giờ, và vì trời quá lạnh nên điện thoại liên tục hết pin. Tớ tranh thủ lúc điện thoại còn chút pin, tớ tìm lẹ điểm đến gần nhất với nơi tớ cần đi. Theo Google thì chúng tớ cần di chuyển từ Warsaw đến Wroclaw. Rồi từ Wroclaw đến Dlugopole Zoij. Vì chưa quen với ga tàu, và vì ở Ba Lan không dùng nhiều tiếng Anh nên chúng tớ cũng suýt lên nhầm tàu. May mà chúng tớ kịp “thông minh” để nhận ra sai lầm trước khi quá muộn. Lại thêm 4,5 tiếng nữa đợi tàu. Khi tàu đến, chúng tớ đưa vé cho người soát vé giật mình khi biết rằng vé đó chỉ dành cho chuyến đi nội thành trong phạm vi thành phố Warsaw mà Wroclaw là một thành phố khác. Anh soát vé cố gắng giải thích bằng tiếng Anh và ngôn ngữ cơ thể để chúng tớ hiểu. Anh đồng ý cho chúng tớ mua vé trực tiếp trên tàu nhưng vé đó là vé đứng. Một ngày trời không được nghỉ ngơi sau chuyến bay dài, chúng tớ đã mệt nhoài. Không có chỗ ngồi nên tớ và Vinh đã lượn xuống cuối toa để đứng. Tớ đang đứng được giây lát, một anh bạn trẻ ngồi phía trước liền nói với tớ: “Chỗ này có người ngồi rồi, bạn tớ đang trong nhà vệ sinh sẽ sớm quay lại”. “Yên tâm, tớ sẽ không ngồi đâu” – Tớ đáp. Rồi cậu ta im lặng. Cậu ta tầm tuổi 18 hoặc 20, khá trẻ, rất cao, mái tóc của cậu mà nâu vàng với đôi mắt xanh nước biển sâu thăm thẳm. Tầm mấy phút sau, có lẽ thấy tớ đứng trông tội tội, cậu ta bèn hỏi tớ: “Này, đến đây ngồi đi”.
“Cậu vừa nói chỗ đó có người ngồi rồi mà. Tớ có thể đứng, không sao đâu”. – Tớ ngại ngùng trả lời và cũng không muốn làm phiền cậu ta.
“Không sao, bạn tớ có thể đứng nên cậu ngồi cũng được. Mau lên nào!”
Thế là tớ cảm ơn và bẽn lẽn ngồi cạnh cậu ta. Còn Vinh thì ngồi lên vali. Phía trước tớ là một cô gái Ba Lan xinh đẹp với mái tóc vàng óng ôm gọn lấy khuôn mặt. Cô ấy đang chăm chú đọc sách. Ở bên cạnh cô ấy là một anh chàng to cao, râu ria xồm xoàm. Bộ râu màu vàng đồng giống hệt màu tóc anh ta. Những ánh mắt ngại ngùng nhìn nhau, tất cả đều không biết nói gì. Thế rồi cậu chàng ngồi cạnh tớ nhanh nhảu hỏi: “Cô đến từ đâu?”. Rồi cậu bé ngồi đối diện chen vào và nói: “Cô là người Trung Quốc à?”
“Ôi không, tớ không phải người Trung Quốc. Các cậu đoán lại xem” – Tớ đáp.
“Nhìn cậu là tớ đoán đến từ Châu Á. Mắt dài và nhỏ hơn mắt của tớ. Mà với chúng tớ, Châu Á chỉ có Trung Quốc” – Anh bạn tóc nâu vàng ngồi cạnh tớ nói.
“Ồ không! Thế cậu có biết Việt Nam không?” – Tớ đáp.
“Hả? Vậy ra cô là người Việt Nam. Tớ có nghe qua về đất nước này nhưng chưa từng đến và không biết gì nhiều”
Tớ lấy trong balo gói bánh khảo mà mẹ chuẩn bị cho tớ. Bánh khảo Cao Bằng vẫn còn thơm nức mùi bột nếp. Tớ bóc bánh ra và chia cho hai cậu ấy. Hai anh chàng có vẻ hơi lo lắng khi phải thử món bánh “lạ” từ tay một cô gái “lạ”. Họ thử bánh, một cậu khen ngon, cậu còn lại có vẻ không thích lắm. Rồi bất chợt từ phía sau, anh bạn thứ ba xuất hiện. Hóa ra cậu ta hút thuốc trong nhà vệ sinh của tàu, ba chàng thay phiên nhau vào nhà vệ sinh. Giờ thì cậu bạn tóc xoăn màu nâu đổi chỗ cho anh bạn ngồi cạnh tớ. Cứ thế cứ thế, chúng tớ bắt đầu làm quen nhau, nói chuyện về những khác biệt văn hóa giữa hai đất nước, về những điều người Ba Lan làm để đón chào năm mới. Nhờ thế mà sáu tiếng trên tàu trôi qua nhanh hơn mà không hề nhàm chán. Ba chàng thanh niên chưa muốn nói lời chào tạm biệt chúng tớ. Họ giúp chúng tớ đi ra khu vực bán vé của ga Wroclaw. Họ giúp tớ xách vali lên cầu thang và giúp chúng tớ tìm đường đến điểm hẹn. Vì người bán vé ở ga không biết nói tiếng Anh, ba chàng trai đã giúp tớ và Vinh mua vé thậm chí họ còn dùng thẻ sinh viên để chúng tớ mua được vé rẻ hơn 20%. Họ còn đãi chúng tớ món ăn truyền thống của Ba Lan – Pierogy. Chúng tớ rõ ràng là những người xa lạ nhưng họ đã đối xử với chúng tớ như những người bạn đã quen lâu năm. Họ có vẻ ngoài lạnh lùng nhưng trái tim họ ấm áp vô cùng. Thế rồi chúng tớ chào tạm biệt họ bằng những cái ôm nồng ấm nhất. Mấy tháng sau đó, tớ và Vinh đã đến thăm một trong ba chàng trai, và cho đến giờ kí ức về họ vẫn mãi không bao giờ phai mờ trong tâm trí.
Chuyến tàu từ Wroclaw đến Dlugopole kéo dài ba tiếng. Tớ cố gọi cho người phụ trách mà không ai nghe máy cả. Trời quá tối và trên tàu, điểm đến được thông báo hoàn toàn bằng tiếng Ba Lan, chúng tớ không hiểu gì cả và không biết tàu đang đi đến đâu. Điều kì diệu một lần nữa lại xảy ra. Chúng tớ vô tình ngồi cùng toa với một chị tình nguyện viên đến từ tổ chức ICYE ở Đức (ICYE cũng là tổ chức mà tớ và Vinh đăng ký tham gia dự án ở Ba Lan). Chị ấy đã nhờ một ông cụ người bản địa dẫn chúng tớ đi vì ông ấy xuống cùng bến. Ông cũng đã già, tóc cũng bạc trắng, ông không nói được tiếng Anh nên ông đã mỉm cười thật tươi với tớ như muốn nói rằng “cứ đi theo ông, các cháu sẽ ổn thôi”. Chúng tớ xách vali và đi theo sự chỉ dẫn của ông cụ. Ông dẫn chúng tớ băng qua rừng cây, trời tối sầm, xung quanh không một ánh đèn. Tay kéo vali băng qua đoạn đường gập ghềnh mà như muốn lả cả người. Tớ cố lết từng bước một. Chúng tớ đi qua khu rừng cây và đến gần với nhà dân. Ngày hôm ấy là ngày cuối của năm 2015, nhà nhà đang chuẩn bị đón giao thừa. Chúng tớ đi qua những ngôi nhà với ánh đèn lấp lánh bao quanh hàng rào và cây thông Giáng sinh. Những ngôi nhà giống hệt trong truyện cổ Grim ngày bé tớ thường hay đọc. Vậy là không phải tớ đang mơ. Tất cả là thực. Cuối cùng cuộc hành trình đã kết thúc sau gần 32 tiếng trên máy bay, trên tàu và trên đường đi. Chúng tớ nói lời cảm ơn và tạm biệt ông cụ. Ông đã tặng cho tớ một cái ôm và không đòi hỏi bất cứ điều gì. Ba Lan đã đối xử thật tốt với tớ, đã tốt với tớ từ ngày đầu cho đến ngày cuối cùng.
Chúng tớ đã gặp được Adam và được đưa về khu nhà ở của tình nguyện viên. Vì là kì nghỉ lễ, các tình nguyện viên đã đi du lịch hết. Cả tòa nhà, chỉ còn lại ba người Romania. Chúng tớ chào hỏi nhau và cùng nâng ly khi đồng hồ điểm 12 giờ đêm. Giao thừa đầu tiên tớ xa nhà và sau đó là cái Tết đầu tiên xa xứ. Cuộc hành trình của tớ trở nên ý nghĩa hơn bởi những “người lạ ấm áp”. Người Ba Lan rất ngọt ngào dù họ trông rất lạnh lùng. Sự tử tế của họ đã xua đi cái lạnh của mùa đông.