Chương XVII: Cậu ơi, Ba Lan mùa tuyết rơi

picturesque seascape from wooden staircase

Tớ đang viết lại câu chuyện cổ tích này sau 4 năm kể từ khi kết thúc chuyến đi. Tớ dường như vẫn nhớ như in tất cả những kí ức vui buồn ngày ấy. Để kể lại hết là điều không thể. Tớ chỉ biết rằng cá tính của tớ đã cho tớ một tuổi trẻ rất đáng.

Tớ đã ở Sydney hơn một năm nhưng chưa bao giờ tớ cảm thấy có thể gọi nơi đây là “nhà”. Nhưng chỉ với sáu tháng ở Ba Lan, tớ có thể gọi nơi đó là quê hương thứ hai.

Vì sao ư? Vì nơi đó đã giúp tớ khám phá được những tiềm năng của bản thân mà bấy lâu tớ không hề nhận ra. Một nơi tớ được cất lên tiếng nói để bảo vệ bản thân và người khác. Một nơi tớ được sống là chính mình.

Công việc hằng ngày của tớ phải tiếp xúc với trẻ em và thanh thiếu niên Ba Lan, các nhóm học sinh từ cấp I đến cấp III. Tớ đã nhận ra được sự khác biệt rất lớn giữa nền giáo dục Phương Tây và Phương Đông.

Ở đây, quyền trẻ em rất được coi trọng. Người Châu Âu vẫn nói đùa về bảng xếp hạng cuộc đời của họ rằng Trẻ em được coi trọng số 1, thứ 2 là phụ nữ, đứng thứ 3 là chó và cuối cùng là đàn ông. Bởi thế nên nghề giáo viên ở Châu Âu là một trong những nghề áp lực và bạc bẽo nhất. Mức lương của họ không cao nhưng trọng trách lại rất lớn. Giáo viên không được phép mắng mỏ, thậm chí không được quyền tịch thu đồ đạc cá nhân hoặc điện thoại của học sinh. Tình nguyện viên như chúng tớ không được đụng chạm vào các em. Nếu muốn chụp ảnh cũng phải được sự cho phép của giáo viên.

Học sinh ở đây rất hiểu biết. Cậu sẽ rất bất ngờ khi nghe thấy đám học sinh cấp một bàn luận về chính trị, về Putin, hay về Tập Cận Bình. Về những điều trẻ em Việt Nam sẽ không bao giờ nói. Chúng biết về lịch sử của Việt Nam còn rõ hơn tớ biết về lịch sự nước nhà. Việc biết nhiều thứ quá sớm cùng việc yêu và hiểu về tình dục sớm cũng có hai mặt. Tớ vẫn còn nhớ một lần khi chơi trò chơi viết nhận xét lên lưng của người khác. Tớ đã rất sốc trước những dòng chữ “dành cho người lớn” mà các em viết cho nhau. Tuy nhiên, các thầy cô hoàn toàn không phạt các em. Nhưng chỉ có một lần, khi các em học sinh lớp tớ nhắc đến Hít le hay Putin, các em lập tức phải viết bản kiểm điểm và bị phạt. Mãi về sau tớ mới hiểu rằng, Ba Lan có lòng hận thù sâu sắc với Hít Le sau thế chiến thứ hai và có hiềm khích rất lớn với nước Nga mà đến giờ mối quan hệ giữa Nga và Ba Lan vẫn chưa được hòa giải.

Học sinh ở đây cũng rất tình cảm và dễ nảy sinh tình cảm với người khác. Như việc chỉ cần tiếp xúc với các tình nguyện viên tầm 2, 3 hôm, đến hôm cuối cùng các em đã khóc như mưa khi phải chia tay chúng tớ.

Có những lúc tớ cảm thấy chán ghét dự án và muốn về nhà. Tớ ghét sự lặp lại của công việc. Tớ ghét cách tổ chức hoạt động và quản lý của dự án. Tớ đã từng hối hận rất nhiều, rằng tại sao tớ lại từ bỏ công việc ở Việt Nam để đến đây, thực hiện những điều vô nghĩa. Tớ mệt mỏi với 12 tiếng đi làm mỗi ngày và dường như không có ngày nghỉ trong tuần. Adam là một kẻ cáo già và giả tạo. Ông ta bóc lột sức lao động của tình nguyện viên. Ngay cả khi tớ ốm, sẽ không một ai hỏi tớ ra sao, thế nào. Họ chỉ muốn tớ đi làm. Tớ cũng rất cố gắng chịu đựng bạn cùng phòng, một cô gái Philippines thích làm trung tâm của vũ trụ. Ngày đầu tiên nhìn thấy tớ, cô bạn ấy đã lườm tớ với ánh mắt sắc lạnh đến giờ tớ cũng không thể quên. Tớ cũng không quên được ngày cô ấy say rượu vì mới chia tay người yêu, gọi tớ dậy lúc 1 giờ đêm để xem cô ấy biểu diễn thời trang. Cuộc sống và lối sống của người Phương Tây cũng khác người Á Đông rất nhiều. Mọi người vẫn thường rủ tớ hút thuốc và uống rượu nhưng tớ nhất quyết không hút, không uống. Mọi người rủ tớ đi Bar, tớ cũng không đi. Tớ có quy tắc của tớ. Nhất là khi xa nhà, nơi tớ chỉ có thể tự bảo vệ bản thân. Tớ không muốn xa ngã. Nếu tớ say, liệu tớ có đánh mất mình? Đã có những anh chàng tình nguyện viên đùa cợt với tớ kiểu: “Cửa phòng của tôi vẫn mở để chào đón cô”. Rất ít trong số các Tình Nguyện Viên đến Ba Lan vì muốn trải nghiệm như tớ và Vinh. Đa số các Tình nguyện viên tớ gặp đến Ba Lan vì không biết làm gì. Hoặc để họ trốn chạy khỏi đất nước của họ, khỏi cuộc sống cũ mà họ muốn lãng quên. Họ nép mình và không muốn bước ra thế giới bên ngoài vì tự ti tôn giáo. Tớ gặp những anh chàng Châu Âu ngoài 30 vẫn muốn tình nguyện vì họ chán ghét công việc của họ. Hoặc những ngươi trẻ Bắc Âu chọn tình nguyện như một gap year trước khi học Đại học. Họ đi tìm hành trang trước khi bước vào đời thay vì vấp vào đời rồi chuẩn bị hành trang như đa số người Châu Á. Người Phương Tây chọn trải nghiệm còn người Phương Đông đa số chọn sự ổn định. Còn tớ, tớ chọn trải nghiệm khi còn trẻ và ổn định khi tớ có cậu.

Tớ đã nghĩ tớ sẽ dừng cuộc hành trình sớm hơn dự kiến và trở về nhà bên người thân yêu. Ấy vậy mà tớ cũng hoàn thành dự án. Tớ đã nghĩ rằng thay vì buồn chán, tớ cần thay đổi để sống có ý nghĩa hơn. Bức xúc không làm tớ vô can, chán nản không làm tớ trở nên phi thường. Vậy là tớ bắt tay vào việc thay đổi cuộc hành trình. Tớ lăn vào bếp giúp các cô nhà bếp rửa bát, chuẩn bị đồ ăn, bưng bê đồ ăn cho học sinh, giúp các cô quét dọn nhà ăn. Tớ bắt đầu quan tâm hơn tới học sinh, mở rộng lòng để đón nhận các em. Tớ cũng mở lòng hơn với các thầy cô giáo để hiểu hơn về cuộc sống của họ và văn hóa Ba Lan. Thay vì lặp lại các hoạt động dành cho học sinh như các tình nguyện viên khác, tớ quyết tâm thay đổi bài học theo cách riêng của tớ. Tớ không muốn thuyết trình về Việt Nam như một cỗ máy, tớ muốn nói về thế giới này, về thế giới phẳng. Thế giới thực sự có tốt đẹp như chúng ta vẫn nghĩ. Tớ muốn các em học sinh biết rằng các em cần thay đổi, cần đứng lên để bảo vệ tương lai, để tạ lỗi với thiên nhiên và môi trường.

Thay đổi những điều tiêu cực trở nên tích cực đã khiến tớ hạnh phúc hơn. Tớ được những cô làm bếp yêu thương, các cô luôn dành những phần ăn ngon cho tớ. Ngày tớ chia tay dự án, các cô còn tặng tớ một hộp kẹo và những cái ôm thật chặt. Tớ được cô quản lý khách sạn gọi bằng cái tên “Kasia” và nhận làm con. Tớ vẫn còn giữ chiếc cốc in dòng chữ “Kasia” mà người mẹ Ba lan ấy đã tặng tớ ngày chia ly. Tớ nhớ những tràng vỗ tay và những giọt nước mắt của học sinh khi tớ thuyết trình về thế giới phẳng. Các em nói rằng bài thuyết trình của tớ đã chạm đến trái tim các em. Tớ đã gặp rất nhiều nhóm học sinh khác nhau và có một nhóm học sinh rất rất đặc biệt mà tớ sẽ không bao giờ quên. Các em không nói được Tiếng Anh. Ấn tượng đầu của tớ về các em là “Nghịch ngợm” và “Lì lợm”. Nhóm học sinh đó lúc đầu hoàn toàn không nghe theo lời tớ. Và bằng sự kiên trì, nhẫn nại, sự cố gắng của tớ đã không uổng phí. Đó là nhóm học sinh duy nhất tớ thấy được sự thay đổi rõ rệt. Các em dần hòa đồng và bản lĩnh hơn khi thuyết trình trước đám đông. Các em không còn sợ khi nói tiếng Anh. Và không như tớ nghĩ, những cô cậu bé nghịch ngợm ấy lại sống rất tình cảm. Các em đã chạy vào lòng tớ và ôm tớ thật chặt. Chúng tớ đã ngồi bên lửa trại cùng nói chuyện với thầy cô giáo. Chưa bao giờ tớ thấy khoảng cách giữa tớ và các thầy cô lại gần nhau đến vậy.  Và có một câu nói từ thầy chủ nhiệm của các em khiến tớ không bao giờ quên: “Tôi rất muốn mời em đến trường để làm việc, cách em quan tâm đến học sinh và yêu thương học sinh như gia đình vượt trên cả tư cách của một người giáo viên. Chúng tôi cũng muốn học từ em phương pháp giảng dạy. Em hoàn toàn có tố chất để trở thành một nhà giáo”. Câu nói của thầy thực sự đã khơi gợi trong tớ niềm cảm hứng muốn được đứng trên bục giảng, trở thành một người lái đò.

Ba Lan từng bước từng bước đánh cắp trái tim tớ như thế. Nếu cậu hỏi tớ rằng tớ có yêu dự án này không? Tớ không yêu nhưng dự án đã mang đến cuộc đời tớ những người bạn tưởng chừng không bao giờ gặp lại mà lại đi cùng nhau thật xa…

Tháng 3, năm 2016, tớ tình cờ gặp được một người bạn lớn tuổi rất đặc biệt, cô Iwona. Cô là người chủ động bắt chuyện với tớ trước. Cô và học trò tham gia dự án trong 4 ngày và thật may, tớ là người đảm nhiệm nhóm học sinh đó. Không biết duyên số thế nào, ngày hội văn hóa Việt Nam lại tổ chức ở Krakow, rất gần với nhà cô Iwona. Tớ nói với cô về ngày hội văn hóa Việt nam và cô đã rất vui mừng ngỏ lời mời tớ đến nhà cô. Khá ngại ngùng nhưng tớ muốn thử mở lòng mình ra một chút. Thế là tớ cùng Vinh đến nhà cô. Lần đầu tớ được gặp Kuba và Hania, hai con của cô cùng chú Pioter, chồng cô. Họ đã rất thân thiện chào đón chúng tớ. Buổi tối ngày hôm đó trời mưa lất phất, lạnh đến tê buốt. Cô dẫn chúng tớ thăm quan thành phố cổ Krakow – 1 trong những di sản đầu tiên được Unesco ghi nhận, nơi có dòng sông Wistula chảy qua. Lúc ấy, tớ không biết gì về lịch sử Châu Âu. Cho đến năm 2018, khi vô tình xem những thước phim chiến tranh về thế chiến thứ hai, tớ mới biết những nơi tớ từng đặt chân đến ở Krakow hay Ba Lan nói chung đều là những di tích lịch sử, những nơi đã đi qua bom đạn. Những tòa nhà hay nhà thờ hiện nay đều giữ nguyên kiến trúc xưa và đều được dựng lên từ tro tàn sau chiến tranh. Nếu người Việt tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam thì Ba Lan là một dân tộc Châu Âu phi thường như thế. Sau thế chiến thứ hai, Ba Lan là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi người Đức dưới thời Hitler cho rằng người do thái và nhóm người Slav là nhóm hạ đẳng (Nhóm Slav trong đó có Ba Lan). Những tưởng họ sẽ cần rất nhiều năm để vực lên nhưng không, đất nước ấy cũng rất kiên cường đứng lên từ đổ nát, từ mất mát và nỗi đau. Không nhiều người biết rằng Ba Lan đã từng biến mất khỏi bản đồ thế giới suốt 123 năm. Giờ đây, đất nước ấy đã vươn mình ra thế giới, trở thành một đất nước “đang phát triển” với tiềm năng kinh tế lớn tại Châu Âu. Ba Lan dần khẳng định vị thế trên bản đồ thế giới. Họ chưa bao giờ đổ lỗi cho chiến tranh, họ đứng lên từ đau thương như những hàng bạch dương kiên cường trước bão tố.

Cô Iwona cũng kể thêm cho tớ về lịch sử của thành phố Krakow, ý nghĩa của từng tiếng chuông của nhà thờ St Mary’s Basilica. Khi tớ đến đó, nhà thờ vang lên 8 hồi chuông khi đồng hồ điểm 8 giờ tối. Sau đó có một hồi kèn trumpet vang lên, rồi bỗng dung tiếng kèn bị đứt đoạn giữa chừng để tưởng nhớ đến cảnh một vị vua đang thổi kèn trong nhà thờ thì bị giết chết. Sự tích kể lại rằng có hai anh em nhà vua thi nhau xây nhà thờ xem tòa của ai cao hơn và đẹp hơn. Người em sau khi xây xong tòa của mình nhìn sang tòa bên thấy tòa của người anh cao hơn bèn ám sát người anh. Nhưng vì quá đau khổ trước lỗi lầm của mình, người em cũng tự sát sau đó không lâu. Vậy nên nhà thờ Basilica mới có kiến trúc như hiện nay với một tòa cao, một tòa thấp. Ngoài cung điện Wawel, những nhà thờ với kiến trúc Gothic, Krakow còn có một nét hiện đại của thời nay với nơi được coi là xào huyệt của “những cô nàng bóng đêm”. Ở đây, chuyện đi gái rất công khai, có một nơi treo đèn đỏ, ánh đèn sa hoa mang tên “wild night” (đêm hoang dã) dành cho các quý ông.

Tất cả những nét đẹp vừa cổ điển, vừa hiện đại đó đã tạo nên một Krakow đẹp nhất về đêm. Vẻ đẹp của Krakow không chỉ đến từ những ánh đèn mờ ảo từ khu quảng trường cổ Rynek Główny, những bàn ăn được bày biện đậm phong cách lãng mạn Châu Âu phía bên ngoài các nhà hàng, hay là ánh đèn đỏ bí ẩn từ khu “đêm hoang dã”, Krakow còn hiện lên trong tâm trí tớ với những kí ức về tình người, về tình bạn đặc biệt với cô Iwona. Cô Iwona không chỉ giới thiệu cho tớ về câu chuyện lịch sử của thành phố Krakow, về cung điện Wawel, về sự vội vã trong cách sống của người Krakow. Cô còn dẫn tớ và Vinh đến quán cà phê lâu đời nhất ở Krakow từ năm 13xx để thưởng thức cốc Chocolate nóng. Lúc trời mưa to, mũi của tớ bỗng sụt sịt và chảy nhiều nước. Cô Iwona đã chạy đi mua một tập khăn giấy và một chiếc túi lưu niệm in hình thành phố Krakow rồi đưa chúng cho tớ. Tập khăn giấy và chiếc túi khoác với tớ như vật kỉ niệm về Krakow, cũng là dấu ấn không bao giờ phai mờ của cô Iwona trong trái tim tớ. Khi tớ và Vinh trở lại Dlugopole, cô Iwona đã mua vé về cho chúng tớ dù cả hai đứa đều từ chối. Cô nói rằng: “chồng tớ muốn tớ làm điều này cho hai bạn, tớ rất mong hai bạn đồng ý”.

Sau chuyến đi đó 2 tháng, tớ có quay lại Wieliska thăm cô và gia đình cô. Lần này, tớ đã đi một mình. Hôm đó là sinh nhật tớ. Chuyến đi lần đó đã làm tớ và cô gần gũi hơn. Cô dẫn tớ đến trường để gặp lại nhóm học sinh đã cùng cô tham gia dự án Euroweek. Tụi nhỏ chạy đến ôm lấy tớ. Các em đứng đó, trước mặt tớ và đồng thanh hát bài hát chúng tớ đã dạy các em trước đó. Tụi nhỏ còn làm những thước phim ngắn kể về quá trình học tại Euroweek. Tớ đã rất ngạc nhiên và xúc động trước tình cảm của các em dành cho tớ. Rồi cô Iwona dẫn tớ đến lớp của cô. Đây là lần đầu tiên tớ được đứng lớp trước 50 học sinh Ba Lan để nói về Việt Nam. Tớ đã hiểu hơn về nỗi vất vả của nghề giáo, đặc biệt là giáo viên phương Tây khi họ không được quyền quát mắng học sinh cho dù học sinh có ngỗ nghịch, hỗn láo như thế nào. Và tớ đã hiểu vì sao thầy cô giáo Ba Lan hay hút thuốc. Họ thường tranh thủ những lúc không có học sinh ở xung quanh để tìm một góc tối nào đó, lặng lẽ hút điếu thuốc để tĩnh tâm. Cô Iwona cũng không ngoại lệ.

Ngày hôm đó, tớ có một cuộc hẹn với một nhóm học sinh cấp Ba, các em rất muốn gặp lại tớ và tớ cũng vậy. Nhân lúc cô Iwona đi làm, tớ tranh thủ đến thăm nhóm học sinh đó. Vì không nắm rõ thông tin các địa điểm ở Krakow, trời cũng quá lạnh làm điện thoại tớ không đủ pin để dùng google, mà lúc đó Google map không nhạy bén như bây giờ, tớ đã lạc. Địa điểm cần gặp cách Krakow gần 1 tiếng rưỡi nhưng vì nơi đó trùng tên với một con đường ở Krakow nên tớ đã bị nhầm. Buổi hẹn hôm đó không thể thực hiện được. Các em đợi tớ ở một nơi và tớ đợi các em ấy ở một nơi khác. Lần đầu tớ bơ vơ giữa những con đường lớn, không biết đi đâu về đâu. Nhưng bằng một phép màu nào đó hoặc lúc ấy tớ quá may mắn, tớ vẫn tìm được đường về mà không cần cầu cứu đến chiếc điện thoại. Không có Google thì “hỏi đường” trực tiếp hữu hiệu vô cùng. Bởi người Ba Lan rất thân thiện, họ sẵn sàng giúp đỡ tớ, thậm chí nán lại hỏi tớ có cần giúp đỡ không.

Tối ngày hôm đó, thay vì dẫn tớ đi dạo khu phố cổ Krakow, cô Iwona giữ tớ lại ở nhà cô, rồi cùng nhau uống trà. Cô Iwona, chú Piotrek và tớ cùng ngồi với nhau, nâng ly trà bàn chuyện thế giới. Chúng tớ chia sẻ những câu chuyện văn hóa, chính trị, và lịch sử. Lâu lắm rồi trong suốt thời gian ở Ba Lan, tớ mơi thấy bình yên đến thế. Nhờ gia đình cô mà sinh nhật thứ 22 của tớ trở nên đáng nhớ hơn. Lần đầu kể từ khi đặt chân đến Ba Lan, tớ quên đi nỗi nhớ nhà. Tớ bắt đầu có cảm giác như đang được về “nhà”, rằng Ba Lan bỗng chốc trở thành ngôi nhà thứ hai của tớ.

Trước khi quay trở về Việt Nam, tớ và Vinh có đến chào tạm biệt cô Iwona và gia đình cô. Lần này, cô dẫn tớ đến thăm bố mẹ của cô. Bất đồng ngôn ngữ không là trở ngại giữa tớ và gia đình cô. Không biết vì lí do nào đó, càng sống ở Ba Lan lâu, tớ bỗng hiểu hơn về ngôn ngữ của họ. Tớ có thể không nói được nhiều nhưng dần dần tớ hiểu được họ nói gì. Tớ chợt nhận ra rằng những điều chân thật từ trái tim lan tỏa ra đôi khi còn quan trọng hơn cả nét tương đồng ngôn ngữ. Tớ và bố mẹ cô trao nhau những cái ôm ấm nồng và lời chia tay bỗng trở nên nặng nề hơn bao giờ hết.

Cậu thấy đấy, ngay cả giây phút cuối cùng, Ba Lan vẫn đối xử với tớ thật “tử tế”. Ba Lan không chỉ mang đến cho tớ những người bạn đặc biệt như cô Iwona mà còn cho tớ những trải nghiệm ý nghĩa tại trường học. Tớ sẽ kể cậu nghe câu chuyện về Drawsko Pormorskie, thành phố đẹp nhất trong những nơi tớ đã từng ghé qua. Chuyến đi 7 ngày đến Drawsko dã thay đổi hoàn toàn cuộc hành trình của tớ ở Ba Lan.

Chúng tớ – Bốn tình nguyện viên đến từ bốn quốc gia khác nhau – Việt Nam, Đan Mạch, Ấn Độ, Ukraina cùng tham gia chuyến đi đến Drawsko Pormorskie. Chúng tớ được sắp xếp ở chung cùng căn nhà với nhau. Tớ ở cùng phòng với chị người Ukraina còn cậu bé Đan Mạch ở cùng với anh người Ấn Độ. Bốn con người, bốn tính cách khác nhau. Chúng tớ tranh luận và bất đồng rất nhiều nhưng những lúc vui lại cười thật giòn tan. Chuyến đi khởi đầu bằng những cãi vã nhưng kết thúc bằng tiếng cười, sự sẻ chia và những nuối tiếc.

Chúng tớ cùng nhau trải nghiệm 7 ngày làm giáo viên tiểu học của một trường cấp một tại Drawsko. Chúng tớ cùng tập võ, cùng đạp xe băng qua rừng, vượt đèo lội suối. Chúng tớ được các thầy cô dẫn đến nhà trẻ mồ côi để trò chuyện tiếng Anh cùng các em. Nhà tình thương không hẳn là nơi dành cho những em nhỏ mồ côi cha mẹ, nơi đây là mái nhà chung dành cho những trẻ em bị bạo hành bởi cha mẹ hoặc có cha mẹ nghiện rượu, không đủ tài chính nuôi con. Các thầy cô đã nhận nuôi các em dưới sự hỗ trợ của Chính Phủ. Điều tớ ấn tượng với trường tiểu học ở đây là lớp học được trang trí rất sáng tạo với rất nhiều màu sắc. Ngoài ra, trong mỗi trường học, các lớp học tâm lí được mở ra nhằm giúp các em học sinh tự kỉ hoặc cá biệt thay đổi nhận thức hoặc giúp các em học cách giao tiếp, học cách yêu bản thân và những người xung quanh. Ở đây, những học sinh có hoàn cảnh khác biệt vẫn được đến trường như bao trẻ em khác. Các em nhận sự chăm sóc và chú ý đặc biệt nhưng xã hội đón nhận các em như những công dân bình thường. Đó cũng là lí do dù các em là người khuyết tật, tự kỉ, hay mắc một chứng bệnh nào đó, các em vẫn được sống hòa đồng và có cơ hội phát triển tương lai, sống như một người bình thường.

Chuyến đi đến Drawsko đã để lại cho tớ rất nhiều bài học. Tớ bắt đầu có cái nhìn rất khác về ẩm thực Ba Lan, rằng ẩm thực Phương Tây không nhàm chán với bơ, khoai tây, hay pizza như tớ thường nghĩ, ẩm thực Đông Âu là nghệ thuật, là sự kết hợp của sự phức tạp và giản đơn. Những món ăn được các thầy cô giáo chuẩn bị rất chu đáo bằng tất cả sự mến khách, sự cảm thông và trân trọng. Bảy ngày ở Drawsko khiến tớ cười rất nhiều, cười đến chảy nước mắt. Bảy ngày ngắn ngủi dạy tớ một điều rằng: vốn dĩ các quốc gia làm gì có biên giới, biên giới là tự con người tạo nên. Những con người đến từ khắp nơi trên thế giới với những ngôn ngữ khác nhau lại cùng cười, cùng nói, cùng chơi bài đến đêm, cùng kể chuyện về những khác biệt văn hóa. Những con người với độ tuổi chênh lệch nhưng với cách xưng hô “I” và “You” đã khiến chúng tớ như gần nhau hơn. Thầy cô và tình nguyện viên trở thành những người bạn, khoảng cách văn hóa hay sắc tộc là những con số 0.  Xin cảm ơn Drawsko Pormorski đã mang đến bên đời tớ những người bạn tốt như thầy Mariusz và cô Dorota. Họ là minh chứng cho thấy người Châu Âu và chủ nghĩa tư bản không ích kỉ như chúng ta nghĩ. Họ là đại diện cho những con người Châu Âu lương thiện, sống vì cộng đồng và xã hội. Họ là tiêu biểu cho những người Châu Âu sống cống hiến, không sống vị kỉ mà sống vì một thế giới tốt đẹp hơn.

Chuyến đi cũng cho tớ một cái nhìn khác về chiến tranh qua những cuộc trò chuyện với các tình nguyện viên và thầy cô giáo. Tớ vẫn luôn nghĩ chúng ta đang sống trong một thế giới hòa bình. Nhưng không. Chiến tranh vẫn còn đang diễn ra trên địa cầu này. Chẳng cần phải đến Syria hay trung đông, ngay tại Châu Âu, cái rốn văn minh của thế giới, đau thương từ chiến tranh vẫn diễn ra hằng ngày. Chị Ukraina đã kể cho tớ nghe rất nhiều về chiến tranh Nga – Ukraina. Khi chúng ta đang được du lịch, tận hưởng cuộc sống này cũng là lúc những người chồng, người cha Ukraina phải cầm súng ra chiến trường để bảo vệ lãnh thổ. Hận thù vì chiến tranh vẫn chưa được xóa nhòa, người Ba Lan thế hệ trước vẫn đem lòng hận thù người Ukraine vì trước đây đã từng xâm chiếm lãnh thổ của họ. Hay như người Ba Lan vẫn hận Nga từ vụ thảm sát Katyn từ năm 1940 khi Liên Xô dưới thời Stalin đã giết chết gần 22.000 người Ba Lan trong đó đa số là những người học thức, binh sĩ, những người thuộc tầng lớp trí thức của Ba Lan. Hay trong một vài gia đình người Đan Mạch, những đứa trẻ khi sinh ra đã được dạy phải ghét người anh em láng giềng Thụy Điển.

Tớ còn hiểu hơn về “chuyện li hôn” qua đôi mắt của một người trẻ Bắc Âu. Cậu bé Đan Mạch đã kể cho tớ nghe về câu chuyện gia đình cậu. Cậu ấy có hoàn cảnh cũng giống như tớ, thậm chí bố mẹ cậu ấy đã li dị. Bố cậu ấy lấy một người vợ mới, là một phụ nữ Châu Á. Cách cậu ấy kể về gia đình, về chuyện chia ly hoàn toàn bình thản. Cậu không hận thù bố, không trách móc mẹ. Có thể cậu ấy cố giấu cảm xúc hoặc với cậu ấy, chuyện đó vốn không phải gánh nặng gì cả. Rồi tớ nhận ra những chuyện xảy ra với tớ rất đỗi bình thường. Tớ bắt đầu nhìn lại cuộc hôn nhân của bố mẹ tớ, dù thế nào họ cũng từng hạnh phúc bên nhau. Đó mới là những kí ức đáng giá nhất để mỗi khi nhìn lại không ai phải hối hận vì đã từng chọn bên nhau.

Chuyến đi kết thúc để lại trong tớ rất nhiều “giá như”. Giá như chuyến đi có thể dài hơn chút nữa hoặc giá như ngày hôm nay mới là ngày bắt đầu của chuyến đi. Chúng tớ chào tạm biệt thầy cô và lên tàu trở về khu nhà tình nguyện viên ở Dlugopole. Trên con tàu đưa chúng tớ trở về nhà, tàu dường như không còn khoang nào trống. Chuyến đi sẽ kéo dài 8 tiếng và việc không có chỗ ngồi sẽ là một thảm họa. Cậu bạn Đan Mạch nhanh mắt nhìn thấy một phòng trên tàu còn trống hai chỗ ngồi, tuy nhiên đó là căn phòng của những ông già xăm trổ lực lưỡng. Tớ khá sợ và lo lắng. Cậu bạn Đan Mạch kéo tớ vào phòng cùng với mấy người đàn ông đó và nói: “Thế emoi định đứng như này 8 tiếng à? emoi điên rồi”. (emoi là em ơi, cậu ấy ít tuổi hơn tớ nhưng không bao giờ chịu gọi chị ơi, cứ luôn mồm gọi tớ là emoi. Emoi là từ tiếng Việt duy nhất cậu ấy nói được). Được rồi, vào thì vào. Chúng tớ mở cửa và bước vào trong. Bốn người đàn ông có ngoại hình dữ tợn nhường chỗ cho chúng tớ và giúp chúng tớ chuyển hành lí. Căn phòng sặc mùi rượu, tớ bắt đầu cảm thấy lo sợ. Không khí lúc đầu khá ảm đạm, không ai nói với ai câu gì. Bỗng, một trong bốn người đàn ông cất tiếng hỏi tớ. Ông ta hỏi tớ đang đi đâu, và tớ là người nước nào. Khi tớ nói tớ là người Việt Nam, ông ta bỗng reo lên sung sướng: “Ồ, mày là người Việt à? Tao thích người Việt lắm”. Và rồi ông ấy nói một vài câu tiếng Việt với tớ, thậm chí còn biết về phở Việt, biết nhạc Lệ Quyên. Tớ giật mình không nói nên lời. Cơ mặt của tớ giãn dần ra, và tớ bắt đầu vui vẻ mở lời. Hóa ra họ là bốn người trung niên mê nhạc điện tử, đúng hơn là “Electric music”. Cậu bé Đan Mạch có nói với tớ rằng: “Những người mê nhạc điện tử là những người ngọt ngào nhất”. Đúng thế. Sự sợ hãi lúc đầu trong tớ dần biến mất. Họ không đáng sợ như vẻ ngoài của họ. Họ mời tớ uống rượu, dù tớ rất lo lắng nhưng tớ đã nhắm mắt uống thử một chút ít. Dĩ nhiên tớ không liều mạng đến mức uống hết cả cốc rượu. Rồi họ hát vu vơ cho tớ nghe. Họ không thích cái tên Kasia mà người tớ Ba Lan đặt cho tớ, họ đặt tớ bằng một cái tên khác – Annia. Họ nói rằng cái tên này hợp với tớ hơn và dặn tớ đừng bao giờ quên họ. Đúng. Họ là những con người ngọt ngào nhất. Họ nhìn như những chai rượu vodka nhưng bên trong lại là những chai rượu vang đậm mùi nho. Khi tàu dừng, chúng tớ phải nói lời tạm biệt họ. Tớ biết đó sẽ là lần đầu và cũng là lần cuối tớ gặp họ nhưng cái tên Annia và câu chuyện về nó sẽ luôn còn mãi.

Vẻ ngoài không thể hiện được con người đó là ai, hãy nhìn sâu vào trái tim, vào hành động của họ. Kể từ ngày hôm đó, tớ biết rằng âm nhạc điện tử không phải là dành cho những người hướng ngoại, đó là thứ âm nhạc dành cho những trái tim ấm áp.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *