Nghe thì có vẻ xa vời đấy vì tớ và cậu đều có vẻ “khỏe” và “trẻ”. Nhưng cuộc đời này ai mà biết trước được điều gì sẽ xảy ra?
Cách đây 2 năm, tớ đã từng đi dự đám tang của một người bạn học cùng lớp Cấp 1. Bạn ấy mất vì ung thư dạ dày, khi đó bạn tớ 25 tuổi.
Cách đây không lâu, tớ có xem một cuộc thi về nấu ăn được tổ chức tại Úc. Cuộc thi mang tên “Plate of Origin”, một chương trình gameshow thực tế nhằm giới thiệu văn hóa ẩm thực đặc trưng của các quốc gia khác nhau trên thế giới. Thật tự hào khi đội tuyển Việt Nam đã đạt giải Á Quân của cuộc thi và món ăn truyền thống của Việt Nam được các giám khảo Úc khen ngợi hết lời. Tuy nhiên, đó không phải là điều duy nhất khiến tớ không quên được chương trình này. Điều khiến tớ cảm thấy giật mình và băn khoăn thật nhiều lại đến từ sự ra đi của thí sinh đội Trung Quốc ngay sau khi chương trình đóng máy không lâu. Cô gái ấy mới 29 tuổi với bao hoài bão phía trước và từ biệt thế giới này chỉ vỏn vẹn 2 – 3 tháng chống chọi với căn bệnh ung thư. Cô ấy làm tớ nghĩ thật nhiều. Rằng “Tại sao”
Ung thư không phải là bệnh tuổi già, nó là căn bệnh của mọi lứa tuổi, ai cũng có thể mắc phải. Cậu có biết rằng nơi tớ đang sống, nước Úc có tỷ lệ mắc ung thư cao nhất thế giới? Ngạc nhiên hơn, Hàn Quốc – một quốc gia nằm trong top các nước có tuổi thọ cao nhất thế giới lại không hề vô tình lạc vào top 20 quốc gia có tỷ lệ ung thư cao nhất thế giới. Trong đó, ung thư dạ dày, đại tràng chiếm đại đa số các ca bệnh ung thư tại đất nước này.
Cậu có tò mò muốn biết Việt Nam đang đứng vị trí thứ bao nhiêu trên bản đồ ung thư thế giới? Theo Tổ chức Y tế Thế Giới WHO, Việt Nam nằm trong top 50 thuộc nhóm 2 các quốc gia có tỷ lệ ung thư cao nhất thế giới. Hiện nay, Việt Nam đang xếp thứ 57 trên toàn cầu về tỷ lệ tử vong do Ung thư. Đại đa số người Việt thường ngại kiểm tra sức khỏe định kỳ nên thường người bệnh phát hiện ra ung thư khi họ đã ở giai đoạn cuối.
- Vậy ung thư là gì?
Ung thư là một bệnh của các tế bào, xảy ra khi các tế bào bất bình thường phát triển một cách không thể kiểm soát. Đó là khi các DNA bị phá hủy và tổn thương. Thông thường, các tế bào của cơ thể sẽ lớn lên và phát triển hình thành các tế bào mới. Các tế bào cũ sẽ già đi và được thay thế bằng tế bào mới. Khi ung thư xuất hiện, quá trình phát triển tự nhiên này sẽ bị thay đổi. Các tế bào “ông già” không bị chết đi mà lại phát triển theo chiều hướng ngược lại. Chúng tiếp tục nhân lên và tạo thành các khối u bất thường (ngoại trừ ung thư máu, thường không xuất hiện dưới dạng u).
Những khối u có thể lành tính (không phải ung thư) hoặc ác tính (ung thư). Những khối u lành tính không xâm lấn vào các cơ quan và các mô xung quanh của cơ thể. Tuy nhiên, u lành tính là tiền ung thư, có thể sẽ dẫn đến ung thư nếu không được điều trị. Rất may là đa số các u lành tính sẽ không chuyển biến thành ung thư.
Trong khi u ác tính sẽ phát triển và khi những tế bào này không được xử lý hay điều trị kịp thời, chúng có thể xâm lấn, lan vào những mô xung quanh, hình thành các khối u mới tách biệt hoàn toàn với khối u cũ.
2. Nguyên nhân dẫn đến ung thư?
Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng ung thư được gây ra bởi 25% yếu tố môi trường và gen, 75% còn lại là do lối sống. 5 – 10% ung thư do yếu tố di truyền thường bộc phát từ độ tuổi còn rất nhỏ.
- 25% yếu tố môi trường khách quan:
Các yếu tố này bao gồm: sự phân chia tế bào, tổn thương DNA tự phát, gen bị khiếm khuyết, sự nhiễm trùng, ô nhiễm, và các bệnh viêm nhiễm. Ví dụ như bệnh nhân ung thư máu, đa số được phát hiện ở tuổi đời còn rất trẻ. Ngoài ra còn có các bệnh khác như Viêm gan B và Tiểu đường loại I là các bệnh do di truyền hoặc do bẩm sinh. Tuy nhiên viêm gan, ung thư gan, tiểu đường loại II cũng được gây ra bởi những tác nhân về lối sống.
- 75% yếu tố lối sống:
Các tác nhân này bao gồm: hút thuốc, tia UV, chế độ ăn uống, béo phì, rượu bia, và ít vận động.
Một số nghiên cứu trước đây từng cho rằng “ung thư là vận đen của người kém may mắn” nhưng các nhà khoa học gần đây đã chứng minh được rằng “ung thư không chỉ là vận đen”, ung thư xảy ra không hoàn toàn cho bẩm sinh, tác nhân chính là do lối sống không lành mạnh của chúng ta.
Nghiên cứu từ các thí nghiệm cho thấy di truyền đóng một vai trò ít quan trọng hơn chúng ta thường nghĩ. Ví dụ: Trong một bài nghiên cứu tỉ lệ ung thư của những đứa trẻ được nhận nuôi từ khi còn rất nhỏ có cha mẹ ruột hoặc cha mẹ nuôi mất trước 50 tuổi vì bệnh ung thư, cái chết của cha mẹ nuôi có liên quan đến sự gia tăng rất lớn nguy cơ ung thư ở những đứa trẻ này (500%), một tỷ lệ cao hơn nhiều so với những đứa trẻ có cha mẹ đẻ mắc ung thư (20%). Do vậy, lối sống từ bố mẹ nuôi là nguyên do chủ yếu dẫn đến tỉ lệ ung thư của những đứa trẻ này.
Một nghiên cứu khác được các nhà khoa học đề cập đến trong quyển sách “Preventing cancer” chỉ ra rằng những phụ nữ Châu Á đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Phillipines (các nước có tỉ lệ ung thư vú thấp nhất thế giới) nhưng cũng cùng dòng máu ấy, những phụ nữ đến từ các quốc gia này khi nhập cư vào Mỹ hoặc các nước Phương Tây có xu hướng mắc ung thư vú cao hơn 4 lần so với những phụ nữ sống tại quốc gia của họ. Bởi họ du nhập lối sống rất Mỹ, với đồ ăn nhiều dầu mỡ, chế độ ít rau xanh, và thức ăn nhanh.
Nếu nguyên nhân gây ung thư là từ lối sống của chúng ta thì liệu chúng ta có thể thay đổi chính mình để phòng và chữa ung thư? Câu trả lời sẽ được giải đáp trong những bài viết tiếp theo nhé^^